Giao dịch thị trường chứng khoán trên cả 2 sàn đạt gần 3.000 tỉ đồng mỗi phiên. Chỉ số VN-Index thiết lập đỉnh mới sau 5 năm dè dặt. Điều gì đã góp phần tạo nên sự thăng hoa này?
Được ví như một nền kinh tế mới nổi ðáng chú ý của châu Á, sau 5 năm “dưỡng sức”, Việt Nam dường như đang trở mình thức giấc. Có lẽ lâu lắm tin tức về diễn biến hằng ngày của thị trường chứng khoán mới được quan tâm, bàn tán xôm tụ ở khắp nơi. Trong khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM được khoác lên mình sức sống mới với một cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại và đẹp đẽ thì ở đâu đó, người ta dễ bắt gặp hình ảnh những chuyên viên môi giới tất bật không ngơi tay.Niềm lạc quan xuất phát từ việc chỉ số VN-Index lần lượt vượt qua cột mốc 600 điểm, 630 điểm, rồi vượt qua cả mức đỉnh được thiết lập vào năm 2009 là 624 điểm (khi đó, kinh tế đã bắt đầu rơi vào tình trạng rất khó khăn). Lúc này, mỗi ngày trôi qua, dòng tiền đổ vào thị trường trên cả hai sàn Nam-Bắc luôn duy trì ở mức rất lớn, gần 3.000 tỉ đồng mỗi phiên. Thậm chí, Vn-Index còn lọt vào tốp 5 thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm nay.
Chúng ta đang thấy những khác biệt lớn của kinh tế Việt Nam hiện tại so với thời điểm 2009. Năm đó, thị trường tăng điểm mạnh khi Chính phủ tung gói kích thích sau khủng hoảng. Còn vào thời điểm này, cũng chẳng cần những gói kích cầu trị giá hàng tỉ đô, nền kinh tế vĩ mô vẫn đạt được sự ổn định. Đó chính là nền tảng cơ bản để khôi phục niềm tin. Từ đó, kinh tế có thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi dần trong những năm kế tiếp.
Nhưng sự hân hoan không chỉ riêng ở Việt Nam. Tại Mĩ, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số S&P phá vỡ cột mốc 2.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật thường duy trì ở mức cao kỷ lục, hơn 15.000 điểm trong hơn 3 tháng qua. Dường như đang có một sự đồng điệu của dòng tiền ở nhiều nơi trên thế giới, bất chấp những quan ngại liên quan đến vấn đề nội chiến ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông, thậm chí là cả bóng ma lớn từ đại dịch Ebola.
“Good Morning, Vietnam”
“Chào buổi sáng, Việt Nam” - tên cuốn phim do nam tài tử quá cố Robin Williams thủ vai chính có thể được xem là lời chào sảng khoái từ chỉ số VN-Index đến các nhà đầu tư, sau không ít thăng trầm mà họ đã cùng nhau trải nghiệm trong hơn 14 năm qua. Quả thật, nếu nói thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, thì những niềm vui, hạnh phúc và nỗi buồn của nền kinh tế đã được phản ánh khá rõ nét, gắn liền trong từng nhịp đập của VN-Index. Không những thế, đằng sau đó còn có rất nhiều bài học đáng để chiêm nghiệm.
14 năm qua, có thể chia diễn biến của thị trường chứng khoán và kinh tế Việt Nam thành 3 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2000 đến đỉnh cao là 2007, khi kinh tế Việt Nam liên tục nhận được những cú hích lớn. Đó là cú hích từ việc ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ (Hiệp định BTA Việt Nam-Mỹ năm 2000) tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế số 1 thế giới. Đó còn là cú hích của việc ra đời cũng như sửa đổi hàng loạt bộ luật quan trọng như Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh hay Luật Doanh nghiệp 2015, vừa giúp khu vực dân doanh có điều kiện kinh doanh tự do hơn, lại vừa giúp Việt Nam có thể làm hài lòng các đối tác trên con đường gia nhập WTO kết thúc vào 2006.
Kết quả không thể phủ nhận của những sự kiện này là dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào, thị trường bất động sản nóng sốt, tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì trên mức 7-8% và Việt Nam được ca ngợi như một “con hổ của Châu Á”. Vào thời điểm đó, sự lạc quan dễ dàng bao phủ ớ khắp nơi và VN-Index liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đỉnh hơn 1.100 điểm năm 2007.
Nhưng những gì được thực hiện trong giai đoạn này có lẽ vẫn còn chút vội vã. Giai đoạn II từ 2008 đến cuối 2011, “con hổ” bắt đầu cảm thấy mệt mỏi trước hàng loạt áp lực phải tiếp tục thể hiện mình trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chao đảo. Tăng trưởng GDP sụt giảm ngay sau đó. VN-Index cũng nhanh chóng “rơi rụng” theo.
Giai đoạn này đã bộc lộ những điểm hạn chế trong chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Sự yếu kém của 3 khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế là đầu tư khu vực công, các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng được bộc lộ. Vì thế, chỉ một cú kích cầu đơn giản vào 2009 đã không mang lại những hệ quả tích cực cho những năm kế tiếp, và đưa nền kinh tế vào vòng xoáy khó khăn 2 năm sau đó khi lạm phát có thời điểm lên tới 23%. Rồi thì, “con hổ” đã thực sự mỏi mệt vào năm 2011.
Tuy vậy, điều đáng ghi nhận nhất là những nhà điều hành kinh tế đã nhanh chóng có động thái mạnh mẽ để phục hồi niềm tin của người dân, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong giai đoạn tồi tệ này. Kể từ năm 2012, các vấn đề về tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng đã liên tục được Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Các chính sách điều hành theo hướng ổn định vĩ mô thay vì tăng trưởng nhanh đã được triển khai và theo sát với diễn biến thực tế hơn. Điều đó có nghĩa, tính chuyên nghiệp và khoa học đã được nâng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Quan điểm của Chính phủ là phải co hẹp, tập trung vào những lĩnh vực mà khu vực tư không thể làm. Cụ thể hơn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã buộc phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không phải cốt lõi như chứng khoán, tài chính, bất động sản và quá trình này đang diễn ra khá nghiêm túc. Một cú hích khác là việc nhiều tập đoàn, tổng công ty đã công bố bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mà trong số đó, có khá nhiều những gương mặt triển vọng. Vietnam Airlines tuyên bố sẽ IPO vào tháng 11 này. Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự định sẽ thực thi IPO vào cuối năm nay. Mobifone cũng đã được bật đèn xanh để có thể cổ phần hóa. Đó chính là những cú hích quan trọng để nâng đỡ nền kinh tế Việt Nam, khôi phục lại niềm tin của thị trường.
Cộng thêm vào đó, động thái nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam mới đây của Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s thật sự là niềm vui lớn cho những nỗ lực mà Việt Nam đã kiên trì thực hiện trong 2 năm qua. Ðiều này mang đến một sự lạc quan mới vào tương lai của đất nước hình chữ S. GDP 9 tháng đầu năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ tăng trưởng 5,54%, cải thiện đáng kể so với con số 5,14% cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, dường như đang có những “thế cờ mới” đặt cược vào chu kỳ sắp tới của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bất động sản trở nên mạnh hơn và tích cực thâu tóm dự án có tiềm năng từ các công ty khác đang gặp khó khăn. Vốn đầu tư của doanh nghiệp trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá cao (dù có sụt giảm chút so với năm trước). Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như Samsung, Intel, Microsoft hay tập đoàn dầu khí khổng lồ Exxon Mobil gần đây đã liên tục để ý và tăng lượng vốn đầu tư vào Việt Nam, thậm chí có dự án lên đến 10 tỉ USD như dự án dầu khí của Exxon Mobile.
Còn trên thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến các công ty nội. Ví dụ, GIC - quỹ đầu tư của chính phủ Singapore - đã liên tục rót vốn vào FPT, Vinasun. Hay Norges Bank - quỹ đầu tư quốc gia thuộc hàng lớn nhất thế giới của Na Uy - đã chọn Vinamilk để đầu tư. Trong khi đó, mới đây, tập đoàn bán lẻ Berli Jucker của Thái Lan đã quyết định mở rộng thâm nhập vào Việt Nam thông qua thương vụ đình đám mua lại hệ thống siêu thị Metro với giá 880 triệu USD. Thậm chí, báo cáo mới đây của Vietnam M&A Forum đã chỉ ra rằng sẽ có làn sóng M&A thứ hai trị giá đến hơn 20 tỉ USD trong 5 năm tới. Sự thăng hoa trên thị trường chứng khoán có lẽ là kết quả dễ hiểu. Nhưng liệu rằng còn những yếu tố nào khác?
“Vietnam Today”
Có một điều thú vị là cú bứt phá của chỉ số VN-Index bắt đầu từ giữa tháng 5, tức hai tuần sau khi sự vụ dàn khoan 981 của Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam, gây nên những quan ngại to lớn về tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam (do Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất). Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn bi quan, thị trường đã ngay nhanh chóng phục hồi. Dường như, tác động của những định hướng chính sách mới đã bắt đầu hiệu quả.
Sự kiện dàn khoan đã buộc Việt Nam phải thay đổi chính sách ngoại giao và kinh tế của mình theo hướng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không những sẽ giúp Việt Nam tạo thêm cơ hội cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, mà còn giúp giảm bớt một phần phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, những động thái thúc đẩy quan hệ với các siêu cường như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ gần đây cũng đang phản ánh cho xu hướng này.
Nhưng vượt trên hết tất cả, sức mạnh nội tại của nền kinh tế là yếu tố sống còn nhất để Việt Nam có thể cạnh tranh. Sự kiện dàn khoan 981 dường như cũng là yếu tố mang tính châm ngòi để một lần nữa, chúng ta có động cơ để đẩy nhanh cải cách nền kinh tế của mình. Cụ thể hơn, cuối tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp khẳng định quá trình tái cấu trúc ngân hàng sẽ được tiếp tục giai đoạn hai mà trong đó, bản thân các ngân hàng lớn cũng nằm trong tầm ngắm. Những thương vụ M&A của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ được chấp nhận thực hiện vào cuối năm nay như Ngân hàng Phương Nam với Sacombank, Maritime Bank với Ngân hàng Phát triển Mekong. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là động thái mạnh mẽ để đạt được mục tiêu hướng tới hệ thống ngân hàng khỏe mạnh hơn với chỉ khoảng 15 ngân hàng vào 2015.
Một điểm nhấn quan trọng khác là việc Chính phủ quyết tâm cải thiện thủ tục hành chính. Trong cuộc họp cấp Chính phủ hồi cuối tháng 8, Thủ tướng đã yêu cầu một cách cứng rắn các Bộ ngành, Tổng cục Hải quan phải giảm một nửa số giờ làm thủ tục hải quan, nửa giờ thuế cũng như cắt giảm các thủ tục đầu tư khác. “Nhiều đồng chí bộ trưởng đã cam kết với tôi, còn các bộ trưởng khác tiếp tục rà soát và mạnh dạn cắt giảm thủ tục. Đây là môi trường đầu tư, đây là sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong cuộc họp của Chính phủ tháng 8 vừa qua.
Có thể xem đây chính là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa thông điệp đầu năm của lãnh đạo quốc gia, trong đó nêu bật lên vai trò phải đổi mới thế chế, nâng cao môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thậm chí đó có thể xem là dấu hiệu của mô hình nhà nước quản trị theo hướng hiện đại trên một bình diện rộng hơn.
Trong tác phẩm đình đám “Why nations fail?” (tạm dịch: “Tại sao các quốc gia thất bại”), hai nhà kinh tế người Mỹ Daron Acemoglu và James Robinson, sau khi nghiên cứu các trường hợp thành công và thất bại của nhiều quốc gia trên thế giới, đã kết luận rằng một trong những yếu tố cơ bản quyết định một nền kinh tế có thịnh vượng hay không chính là yếu tố “thể chế kinh tế” (economics institution).
Ví dụ, vì sao Hàn Quốc lại được biết đến là ví dụ thành công hơn so với người anh em phương Bắc - Triều Tiên? Ông Daron và James dẫn chứng rằng, xã hội Hàn Quốc đã được tổ chức theo hướng tạo ra động cơ, tưởng thưởng cho sự thay đổi sáng tạo và cho phép mọi người đều có quyền tiếp cận các cơ hội trong nền kinh tế. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc là một chính phủ có tính trách nhiệm cao và đáp ứng tốt đối với nguyện vọng của đại đa số người dân.
Tương tự vậy, có thể xem những động thái gần đây của Chính phủ Việt Nam đã mang lại một chút ấm áp lạc quan hơn cho nền kinh tế. Dĩ nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết như khối u nợ xấu hay cải cách khu vực đầu tư công. Song những gì đã xảy ra đang phản ánh một điều quan trọng rằng: Việt Nam đang đi đúng hướng, dần thiên về một nền kinh tế năng động và có nền tảng thể chế tốt hơn. Đây mới chính là điểm nhấn của một Việt Nam đang trở mình, một “đất nước tại những ngã rẽ với niềm tin và cơ hội vẫn luôn chờ đợi thức giấc” - theo Mark Ashwill và Thai Ngoc Diep trong cuốn sách mang tên “Vietnam today” - “Việt Nam ngày nay”
Theo Nhịp cầu Đầu tư
No comments:
Post a Comment