Monday, September 15, 2014

Giám đốc 22 tuổi của công ty kẹo que

Trước khi thành lập nên cơ sở sản xuất của riêng mình, Lâm Huỳnh Thiện Lương đã trải qua gần 20 công việc khác nhau.


Khuôn mặt thư sinh, hiền lành trong đôi kính cận, nhưng câu chuyện cuộc đời mưu sinh của cậu thanh niên mới 22 tuổi này lại không kém sóng gió. Thiện Lương hiện là chủ cơ sở sản xuất kẹo que hạnh phúc ở TP HCM với sản lượng 100.000-200.000 cây một tháng, doanh thu bình quân khoảng 400 triệu đồng.

Sinh ra trong gia đình có 3 cậu con trai, quan niệm “tam nam bất phú” gắn chặt với Lương từ nhỏ. Nhưng trái lại, đam mê kinh doanh không khiến cậu lùi bước. Ngay từ khi mới 17 tuổi, Lương đã tập tành bán kẹo que, rồi sau đó thử sức 20 công việc khác nhau từ phát tờ rơi, bảo vệ, phục vụ, chùi toilet trong KFC, làm cò bất động sản cho đến MC, diễn viên...


22 tuổi, cậu thanh niên này đã trải qua gần 20 nghề khác nhau trước khi gầy dựng nên cơ sở kẹo que hạnh phúc.

Với số tiền dành dụm được chút ít, Lương lên kế hoạch kinh doanh. Vay thêm tiền bạn bè, cậu quyết định mở quán cà phê. Sau đó, vì không ký hợp đồng nên quán bị lấy lại mặt bằng, chiếc xe máy đi mượn cũng bị trộm mất. Gánh nặng mưu sinh và nợ nần đè lên đôi vai cậu sinh viên năm nhất, Lương làm đủ nghề để trang trải học phí và tồn tại. “Từng bán đủ loại hàng nên tôi tích lũy được 'kỹ năng mượn tiền' để xoay vốn. Tôi phải làm việc liên tục, có lúc làm bảo vệ 38 tiếng trong 2 ngày”, Lương chia sẻ.

Trải qua đủ mọi nghề, cuối cùng Lương quyết định quay lại với công việc bán kẹo que ban đầu. “Vì thiếu thốn hạnh phúc và tình yêu thương nên tôi muốn mang lại điều này cho những người khác. Kẹo que hạnh phúc bắt nguồn từ 3 nhân tố: người làm ra sản phẩm, sản phẩm và người bán sản phẩm”, Lương nói.

Cậu sinh viên này tiến hành gây dựng một đội nhóm bán hàng có ban quản trị, nhưng gặp khó khăn khi bị đối thủ chơi xấu, làm mất nguồn hàng dẫn đến phải đền hợp đồng cho đối tác. Để chủ động, anh quyết định tìm học cách làm kẹo que theo công nghệ từ Nhật Bản. Ngoài ra, Lương còn sáng tạo ra sản phẩm mới có hương vị kem kết hợp với kẹo dẻo chất lượng cao tạo nên khẩu vị phù hợp với mọi lứa tuổi. “Tôi đã thử nghiệm rất nhiều hương vị khác nhau từ Chocolate, vani, chanh, dâu... Do khách chê kẹo chocolate ngọt quá, kẹo chanh thì chua quá... nên tôi cải tiến chỉ chọn những hương vị chua vừa miệng như dâu, cộng với mùi thơm để sản phẩm tích hợp “2 trong 1”, đẹp và ngon miệng”, anh phân tích.

Để phát triển, Lương tiếp tục xoay vốn bằng mọi cách: mượn bạn bè, vay lãi suất cho đến cầm chiếc laptop tự tay dành dụm được...  Anh thuê một căn nhà 3 tầng làm xưởng sản xuất kẹo kết hợp cho thuê trọ những phòng còn dư.

Không sử dụng máy móc nhiều như người Nhật, Lương đánh mạnh vào giá trị thủ công, đào tạo nhân viên có tay nghề để “thổi hồn” vào sản phẩm. Cơ sở của Lương chia ra hai khu vực: nơi pha chế nguyên liệu được tách biệt và nơi chế biến sản xuất đại trà để mọi nhân viên phối hợp thực hiện các công đoạn: quậy nguyên liệu tạo nên thành phẩm, vào khuôn, thiết kế  hình dáng, sấy khô, đóng bao bì rồi phân phối tới thị trường. “Tôi không thích áp dụng máy móc nhiều quá vì phải đóng khuôn. Thủ công vừa theo ý mình vừa để khách hàng tùy ý đặt mẫu mình thích. Cho nên khách hàng đặt đơn hàng sỉ hay lẻ chúng tôi đều làm được", Lương giãi bày.
Ban đầu, anh gây dựng kênh bán hàng cả offline và online. Lương thu hút khách trên fanpage, website bằng những dịch vụ độc đáo, gần gũi giới trẻ như khắc tên, vẽ chibi... Anh kiếm những mối lớn từ cộng đồng fan Kpop với sản phẩm kẹo hình thần thượng, thu hút những người nổi tiếng tham gia các chương trình từ thiện để truyền thông thương hiệu.
keo-que-setop-8479-1410749982.jpg
Nhiều nghệ sĩ tham gia bán kẹo que hạnh phúc để quyên góp từ thiện.

Kẹo que đa dạng về chủng loại và giá thành từ 5.000 đến 15.000 đồng một cây theo mẫu có sẵn. Riêng những cây kẹo được đặt mẫu riêng, thiết kế chibi có giá 30.000 đồng. Người bán kẹo được hưởng 50-70% số tiền doanh thu. Lương cho biết hiện doanh thu bán hàng offline chiếm tỷ lệ 70%, nhưng anh rất muốn phát triển mảng online. Dịp Tết là thời điểm mang lại doanh thu cao cho cơ sở, một người bán kẹo đứng trên đường hoa Nguyễn Huệ (quận I) có thể mang về trung bình hơn 5 triệu đồng mỗi ngày.

Lương tuyển nhân viên làm kẹo chủ yếu là người khuyết tật và mồ côi để tạo giá trị nhân văn cho sản phẩm. “Tôi tuyển nhân viên tật nguyền từ trung tâm Hy Vọng, trại trẻ mồ côi và đào tạo cho họ. Sau đó chia họ vào những bộ phận với vai trò phù hợp", Lương cho biết.
Quá trình tuyển nhân viên bán kẹo của Lương rất gắt gao và kỹ lưỡng qua hai vòng: nộp hồ sơ và phỏng vấn. Trong dịp tuyển thời vụ ngày lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, có hơn 200 đơn ứng tuyển nộp về, qua vòng phỏng vấn Lương chọn ra 6 người bán kẹo vừa ý. “Tiêu chí được làm nhân viên bán kẹo là có duyên bán hàng. Chúng tôi cung cấp thông tin sản phẩm rồi yêu cầu ứng viên thử bán hàng xem sao. Việc bán hàng rất quan trọng vì chạm đến cảm xúc của khách. Nếu chỉ vô tình làm mất lòng khách thì sẽ ảnh hưởng đến cả một thương hiệu dày công gây dựng”, Lương nói.

Ngoài ra, Lương còn giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vào lực lượng bán kẹo. Ban đầu, anh tặng mỗi em một giỏ kẹo để khi bán hết các em tiếp tục có vốn kinh doanh. Để tạo sự thiện cảm và tin tưởng từ khách hàng, Lương xây dựng hệ thống  đồng bộ như đồng phục, túi bao tử để trả lại tiền cho khách, danh thiếp cùng một giỏ kẹo có thiết kế bắt mắt.
Khởi điểm với nhóm 10 người vào tháng 6/2013, xưởng sản xuất kẹo được thành lập vào đầu tháng 6 năm nay, trong tháng tới xưởng đang gấp rút để chuyển lên thành công ty. Hiện cơ sở có 6 người làm kẹo và hơn 50 người bán kẹo trên toàn quốc. Lương  đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, tạo lập đội ngũ chào hàng để phân phối kẹo vào các siêu thị, quán cà phê. Kẹo sẽ được thiết kế logo, tên theo từng quán cà phê; sản phẩm được đặt giữa bàn và tính tiền vào hóa đơn.

Hiện tại Lương vẫn đánh mạnh vào sản phẩm độc quyền là kẹo que, sau này sẽ phát triển thêm sản phẩm kẹo dẻo. Bên cạnh đó, anh đang xây dựng thị trường, đội nhóm tại những khu du lịch ở Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt với khách hàng chiến lược là các đôi tình nhân. “Ra bãi biển hóng gió mà có thêm cây kẹo ngọt thì thật thích. Các khu du lịch là một thị trường tiềm năng, nhất là ở các bãi biển - nơi kẹo que bán rất chạy. Tôi khảo sát thị trường rồi gây dựng đội nhóm ở đó, truyền tải cách bán hàng và khuyến khích họ tự mở rộng đội nhóm để tăng doanh thu, dần dần họ trở thành đại lý của mình”, Lương chia sẻ.
Vnexpress

No comments:

Post a Comment