Richard Branson được coi là một trong những doanh nhân thành công nhất nước Anh và là biểu tượng của khởi nghiệp. Ông rời trường học năm 16 tuổi và thành lập tạp chí Student Magazine cùng một nhóm bạn. Đến thập niên 70, ông sáng lập Virgin Records và Virgin Group. Sau đó, Branson lần lượt bổ sung thêm hãng hàng không Virgin Atlantic, Virgin Mobile và Virgin Trains. Ông hiện có khối tài sản trị giá 5 tỷ USD và là người giàu thứ 8 tại Anh, theo Forbes.
Business Insider mới đây đã trích đăng một phần cuốn sách "Làm theo cách của Virgin: Tất cả những gì tôi biết về lãnh đạo", của Richard Branson. Trong đó, ông cho rằng "may mắn" là một trong những yếu tố dễ bị hiểu lầm và bị đánh giá thấp nhất trong cuộc sống.
Trên thực tế, những cá nhân và công ty được coi là may hơn người khác cũng chính là những người sẵn sàng mạo hiểm và chấp nhận thất bại nhất. Trong khi đó, nhóm người "chọn an toàn vì sợ thất bại" thường không bao giờ gặp may được như vậy. Bạn có nghĩ đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Tôi thì không cho là vậy.
Richard Branson cho rằng may mắn đến từ sự chăm chỉ làm việc. Ảnh: Telegraph |
Tôi nhớ đã từng xem vòng chung kết giải golf Anh mở rộng trên TV. Khi một trong những vận động viên top đầu đánh bóng trong thế khó và quả bóng rơi vào lỗ, một bình luận viên người Anh đã thốt lên rằng: "Ôi Chúa ơi, đúng là một cú đánh may mắn!".
Một bình luận viên khác trong khu vực phát hình (theo tôi biết thì ông ấy là một cựu quán quân người Mỹ) lập tức đáp trả với lời khiển trách gay gắt: "May mắn á! Thế mà anh bảo là "may mắn" à? Anh có biết chúng tôi đã phải luyện tập hàng nghìn tiếng cho những cú đánh như thế không? Anh ta đã cố đưa bóng vào lỗ và đã thành công. Để tôi nói anh nghe, anh ấy đã cố gắng rất nhiều để có được sự may mắn ấy!".
Gary Player - một trong những huyền thoại của làng golf cũng rất nổi tiếng với câu nói có ý nghĩa tương tự: "Tôi càng luyện tập chăm chỉ thì càng may mắn".
Cũng như vận động viên golf ấy, tôi từng bị cho là quá ăn may khi kinh doanh. Nhưng tôi tin rằng chăm chỉ mới là nhân tố quan trọng trong tất cả những sự may mắn ấy. Cũng thật khó giải thích tại sao việc "ở đúng chỗ và đúng thời điểm" lại có thể thay đổi cuộc đời con người kì diệu đến vậy.
Chủ đề này khiến tôi nhớ đến thành công ban đầu của hãng thu âm Virgin Record. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi album đầu tay của Mike Oldfield - Tubular Bells trở thành một hiện tượng ở Anh. Vì thế, chúng tôi cố gắng đưa nó sang Mỹ.
Nhưng bất chấp thành công tại châu Âu, và rất nhiều nỗ lực thuyết phục của tôi, ông trùm hãng đĩa Atlantic Records - Ahmet Ertegun vẫn không cho rằng một album không lời có thể bán ở Bắc Mỹ. Đáng tiếc lý do là vì ông ấy không "hiểu nó".
Đến một ngày, khi Ahmet đang nghe album này trong phòng làm việc (có lẽ ông ấy vẫn muốn cố hiểu ý nghĩa của bản nhạc), đạo diễn William Friedkin bước vào. Ông ấy khi đó đang tìm âm nhạc cho bộ phim đang thực hiện.
Cực kỳ may mắn, trước khi Ahmet kịp tắt đi, Friedkin đã nghe thấy Tubular Bells và ngay lập tức thích nó. Thế rồi sau đó, ông ấy có nhạc nền và chúng tôi có hợp đồng tại Mỹ với Atlantic. Tuyệt vời nhất, bộ phim ông ấy đang quay lại là phim kinh dị bom tấn Exorcist (Quỷ ám). Nó đã góp phần đưa Tubular Bells đến với khán giả toàn cầu.
Bạn có thể gọi đó là may mắn nếu muốn. Nhưng tôi thì biết rằng mình đã dành rất nhiều thời gian phàn nàn với Ahmet. Và nếu ông ấy không bị kích thích đến mức phải cố nghe thêm lần nữa, thì có lẽ chúng tôi đã không bao giờ bắt được may mắn ở thời khắc quan trọng như vậy.
VNE
No comments:
Post a Comment