Từ một chàng trai học kém môn toán, thi trượt đại học 2 lần, vậy mà sau 15 năm khởi nghiệp với công ty mua bán trực tuyến Alibaba, Jack Ma đã trở thành người giầu nhất Trung Quốc.
Jack Ma, 50 tuổi, sáng lập viên tập đoàn Trung Quốc Alibaba hôm 19/9 có đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong lịch sử Mỹ, nói rằng, cảm hứng làm việc của ông đến từ nhân vật chính trong phim Hollywood nổi tiếng “Forrest Gump”.
“Tôi thích chàng trai đó (nhân vật Forest Gump có chỉ số IQ thấp, do Tom Hank thủ diễn). Mỗi khi nản chí, tôi lại xem phim đó. Đến nay xem khoảng 10 lần”, Jack Ma (Mã Vân), 50 tuổi, nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 19/9. Chủ tịch Alibaba nói rằng, bài học mà ông rút ra từ “Forest Gump” là “dù mọi thứ có thay đổi thế nào, bạn vẫn là bạn. Tôi vẫn là tôi của 15 năm trước, khi tôi mỗi tháng chỉ kiếm được 20 USD”.Dốt toán, hai lần thi trượt đại học
Jack Ma được sinh ra hai năm trước khi cách mạng văn hóa Trung Quốc bắt đầu ở Hàng Châu - thành phố hiện có 8,7 triệu dân với nhiều hồ đẹp. Bố mẹ ông là diễn viên kịch truyền thống.
Theo China Daily, bố mẹ ông không được học hành đến nơi đến chốn; bố dựa vào lương hưu mỗi tháng 40 USD để nuôi sống gia đình. BBC đưa tin, hồi đi học, Ma học toán kém nhưng giỏi tiếng Anh, thường hướng dẫn du khách tại các điểm đến ở Hàng Châu. Ma thi trượt đại học hai lần, đến lần thứ ba mới đỗ. Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường Hàng Châu năm 1988, ông dạy tiếng Anh nhiều năm ở Viện Kỹ thuật điện tử Hàng Châu, với thu nhập 12 USD/tháng.
Ma lần đầu tiếp xúc Internet vào năm 1995 trong một chuyến đi ngắn tới thành phố Seattle của Mỹ. Ông kể rằng, mình đã tìm từ “beer” (bia) trên Yahoo! và nhanh chóng bị ám ảnh bởi mạng máy tính toàn cầu. “Lần đầu tiên sử dụng internet, tôi nghĩ đây chính là thứ sẽ thay đổi thế giới, thay đổi Trung Quốc”, Jack Ma trở lời phỏng vấn CNN.
Sau đó, ông thành lập công ty internet đầu tiên của mình - một danh bạ trực tuyến tên là China Pages, nhưng năm sau đã từ bỏ, sau khi chính quyền ép thành lập liên doanh với một doanh nghiệp nhà nước. Năm 1999, trong căn hộ ở Hàng Châu, Ma cùng 17 người bạn thành lập Alibaba với số tiền 60.000 USD. Thời điểm đó, thương mại điện tử là một khái niệm mơ hồ ở Trung Quốc. “Tôi tự gọi mình là gã mù cưỡi lưng cọp mù”, ông nhớ lại.
15 năm sau, Alibaba trở thành người khổng lồ internet và ông Ma lọt vào hàng ngũ những người giàu nhất Trung Quốc. Ngày 19/9, Alibaba chào sàn chứng khoán New York với giá khởi điểm 68 USD/cổ phiếu, nhưng ngay sau đó được giao dịch ở mức 92,7 USD, vì nhiều nhà đầu tư hy vọng kiếm lời từ tầng lớp trung lưu ngày càng đông của Trung Quốc. Đợt IPO này biến Jack Ma trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng trước, theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, ông sở hữu khối tài sản 21,9 tỷ USD. Ông có 9% cổ phần trong Alibaba. Ông Ma nói rằng, Alibaba vẫn tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Alibaba sẽ dành 21,8 tỷ USD thu được từ IPO để thực hiện mục tiêu này tốt hơn. “Bất kỳ điều gì có thể giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh, chúng tôi đều xem xét”, ông Ma nói với Bloomberg.
Đưa võ thuật vào văn hóa doanh nghiệp
Tạp chí Time đưa tin, Chủ tịch Alibaba mới đây thảo luận với báo chí Mỹ về việc chính quyền Trung Quốc áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp trong nước và cách thức Alibaba xử lý. “Rất khó khăn cho một công ty toàn cầu xử lý công việc với bất kỳ chính phủ nào. Tuy nhiên, luôn có cơ hội trao đổi thông tin. Đó là cách chúng tôi sống sót 15 năm qua. Chúng tôi luôn cố gắng nói rằng: Chúng tôi yêu chính phủ, nhưng chúng tôi không cưới”, ông Ma nói.
Ông Ma khuyến khích, truyền cảm hứng cho các nhân viên về sự cống hiến hết mình. Nhiều người so sánh ông với Steve Jobs - đồng sáng lập viên Apple, dù Jack Ma áp dụng cách quản lý cởi mở hơn.
Là người say mê Thái cực quyền, Jack Ma vận dụng võ thuật Trung Quốc trong cả chiến lược kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Porter Erisman, cựu quản lý Alibaba, người từng làm phim tài liệu “Cá sấu sông Dương Tử” về tập đoàn này, nhận định, ngoài tiếp thu bài học thành công của Thung lũng Silicon, Jack Ma vận dụng linh hoạt nhiều đặc điểm của võ thuật Trung Quốc như linh hoạt, chấp nhận rủi ro, sáng tạo...?
Trong một cuộc phỏng vấn với một giáo sư kinh doanh Đại học Washington (Mỹ) năm ngoái, Ma sử dụng nhiều ký hiệu để miêu tả triết lý quản lý của mình, trong đó có hình ảnh cá ở trong ao và các thỏi vàng từ trên trời rơi xuống. Ông nói rằng, phong cách quản lý của mình là sự kết hợp của các lời giáo huấn của đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng và Thái cực.
Khi Alibaba nộp đơn IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ, Ma gửi lời nhắn tới hơn 20.000 nhân viên. “15 năm trước, 18 người sáng lập Alibaba đã quyết định thành lập một công ty internet toàn cầu của người Trung Quốc, với hy vọng nó sẽ trở thành một trong 10 công ty internet lớn nhất thế giới, tồn tại 102 năm”.
Ngày 19/9, Jack Ma nói với CNBC rằng, ông hy vọng Alibaba sẽ “lớn hơn Wal-Mart” và có tác động lớn đối với thế giới. “Chúng tôi có một giấc mơ. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ nói rằng, Alibaba là một công ty giống như Microsoft, giống như IBM”, ông nói.
Không rời bỏ quê hương
Người Trung Quốc đang sôi sục với tin đồn Jack Ma có kế hoạch rời bỏ quê hương mãi mãi. Ngày 16/9, tạp chí kinh tế Hong Kong Economic Journal đưa tin, ông chủ Alibaba có kế hoạch chuyển tới Hong Kong vào năm sau theo một chương trình nhập cư dành cho nhà đầu tư. Tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các site truyền thông xã hội Trung Quốc. Thống kê gần đây cho thấy, 47% triệu phú Trung Quốc có kế hoạch ra nước ngoài sinh sống.
Mới đây, ông Ma xuất hiện trước các phóng viên Hong Kong, nói mình không có kế hoạch thay đổi nơi sinh sống. “Hàng Châu là nơi tôi sinh ra, đi học và khởi nghiệp”, ông nói. Người sáng lập Alibaba nói thêm rằng, ông không có thành kiến đối với những công dân Trung Quốc rời quê hương ra nước ngoài hoặc Hong Kong định cư. “Tôi thích các bạn bè tôi ở Hong Kong, khí hậu và đồ ăn ở đó.”, ông Ma nói.
Tập đoàn Alibaba bao gồm TMall.com (giống Amazon) và Taobao (giống Ebay). Hiện nay, Alibaba mỗi quý tạo ra 2 tỷ USD lợi nhuận. Alibaba chiếm 80% thị phần thương mại điện tử của Trung Quốc và hơn 50% thị phần chuyển phát hàng của nước này.
Mấy tháng gần đây, ông Ma đẩy Alibaba vào những lĩnh vực mới để hoạt động đa ngành như đặt chỗ du lịch, ứng dụng tìm đường, nhạc trực tuyến, bóng đá… Thành công của ông Ma được ca ngợi sau khi Taobao qua mặt eBay trên thị trường Trung Quốc, buộc site đấu giá Mỹ này rút phần lớn hoạt động khỏi Trung Quốc vào năm 2006.
Theo Tiền Phong
No comments:
Post a Comment