“Cơn sốt đất nào cũng có tác hại làm méo mó thị trường, tăng giá đột biến, khi nó trở về thực tại gây thất thoát, đổ vỡ lớn…Tuy nhiên, sốt đất khó có thể xảy ra nữa, ít nhất trong vòng 10 năm tới".
Theo một nghiên cứu của CBRE, bất động sản (BĐS) luôn có sự thay đổi ở từng thời kỳ. Cụ thể, năm 1999 – 2003 là giai đoạn thị trường mới nổi nên đất nền là phân khúc được ưa thích nhất. Đến năm 2004 – 2006, khi có lệnh cấm phân lô bán nền cùng với việc chi phí đền bù tăng thì người dân lại có nhu cầu chuyển sang mua căn hộ.
2007 – 2008 là thời điểm thị trường BĐS đạt đỉnh cao và kinh tế hưng thịnh, các nhà đầu tư chiếm lĩnh thị trường, diện tích căn hộ lớn ồ ạt xuất hiện. Đây cũng là thời kỳ thị trường “hút” nhiều tiền mặt và phát triển mạnh. Thế nhưng, đến năm 2009 – 2010, do ảnh hưởng nặng nề bởi sự bất ổn kinh tế trong nước và toàn cầu nên thị trường BĐS dẫn đến suy thoái, nhà đầu cơ ít dần.
Sang năm 2011 – 2012 thì kinh tế suy yếu, lại thiếu tiền mặt nên thị trường nhà đất cũng trầm lắng, đóng băng. Phân khúc căn hộ đã được chuyển sang chủ yếu là diện tích nhỏ để hợp với nguồn cầu. Cho đến nay, thị trường BĐS dù đã có nhiều giao dịch, thanh khoản tăng hơn nhưng vẫn chưa thoát hẳn khó khăn.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường phát triển của thị trường nhà đất, nhất là thời điểm xảy ra những cơn “sốt” đất vào các năm 1991 – 1993, 2001 – 2003, đặc biệt là 2007 – 2008 nhiều người vẫn không thể quên những hệ quả mà nó để lại.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơn sốt đất năm 2007 – 2008 đáng chú ý nhất khi nhà nhà đều kinh doanh đất, cơn sốt xảy ra khắp cả nước.
“Cơn sốt nào cũng có tác hại làm méo mó thị trường, tăng giá đột biến, khi nó trở về thực tại gây thất thoát, đổ vỡ rất lớn. Những ai tham gia sớm, rút khỏi thị trường sớm thì thu được nhiều tiền, còn ai tham gia muộn và chưa kịp rút ra khỏi thị trường thì đổ vỡ lớn. Giống như chứng khoán, có thời kỳ đã khiến nhiều người, nhiều gia đình giàu lên rất nhanh, nhưng cũng có nhiều người đến nay còn chưa trả hết nợ nần”, ông Đực nhận xét.
Vị lãnh đạo này khẳng định: "Không ai mong muốn xảy ra những cơn sốt đất vì nó là bi kịch của nền kinh tế thiếu sự định hướng, bi kịch cho doanh nghiệp thiếu sự thận trọng cân nhắc sản phẩm, bi kịch cho người dân khi chạy theo lợi ích mù quáng. Khi xảy ra những cơn sốt thì người dân là người chịu thiệt hại nhất, rồi mới tới doanh nghiệp và nhà nước".
Thời gian tới liệu có thể xảy ra “sốt” đất? Ông Đực nhận định: “Sốt đất khó có thể xảy ra nữa, ít nhất trong vòng 10 năm tới, vì hiện nguồn cung hiện đang quá nhiều, cùng với đó đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản đổ vỡ nên giá nhà đất khó tăng trong thời gian 5 – 10 năm tới.
Hơn nữa, qua những cơn sốt đất đã xảy ra, người dân cũng như doanh nghiệp đã tự rút ra được kinh nghiệm và bài học để tránh sai lầm, khi không có sai lầm thì không thể có những cơn sốt”.
Từ góc độ quản lý, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng từng nhận định, khó có thể xảy ra “sốt” đất bởi qua các lần sốt vừa rồi, nhất là đợt sốt năm 2008-2009, giá nhà đất được đẩy lên rất cao. Sau đợt đó, thị trường gặp khó khăn, hàng tồn kho tăng cao, sản phẩm BĐS không bán được. Chính điều đó đã mang đến những kinh nghiệm cho chủ đầu tư trong việc cung cấp và định hình phân khúc sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà đầu cơ, người có nhu cầu thực về BĐS cũng có những bài học và kiến thức về thị trường.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường BĐS phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm nên thị trường BĐS cũng khó “sốt”.
Bên cạnh đó, hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 vẫn rất khó khăn. Trong đó, chưa kể đến các khoản được cơ cấu lại nợ, kể cả những khoản “lách” của ngân hàng để tăng trưởng tín dụng. Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh vì nợ xấu khó xử lý nhanh, nhiều vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ…
Vì thế, theo chuyên gia này, để phục hồi tăng trưởng tín dụng có thể kéo dài vài ba năm. Và thị trường BĐS phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng.
Theo Infonet
No comments:
Post a Comment