Thursday, October 9, 2014

Trò chuyện với bố nuôi cậu bé 9 tuổi không đến trường

Lời tòa soạn:“Kiệt” diễn ra từ ngày 14 - 25/4 vừa qua tại Hà Nội là triển lãm cá nhân đầu tiên của Vũ Tuấn Kiệt, gồm 46 bức tranh đen trắng vẽ bằng bút sắt mực tàu, với nội dung từ động vật, con người, các hiện tượng tự nhiên đến chuyện giới tính, phố xá, hệ sinh thái và thậm chí có cả vấn đề đô thị hoá nông thôn.

Điều đáng nói không chỉ ở nội dung các bức tranh, không chỉ ở việc Kiệt sinh năm 2003, mà còn ở chỗ với độ tuổi này, trong lúc bạn bè đang ngày ngày đến trường thì Kiệt ung dung ở với “bác Tùng”, “chẳng làm gì” ngoài việc vẽ tranh, chơi với chó, đọc truyện tiếng Anh, tiếng Trung.

“Sư phụ” của Kiệt, người thuyết phục bố mẹ cho em được sống theo ý thích, tạo điều kiện cho em có cuộc sống tự do như mong muốn, là Tiến sĩ - Kiến trúc sư Phó Đức Tùng. Anh đã từng học kinh tế, kiến trúc, triết học tại Đức. VietNamNet có cuộc trò chuyện với anh.

"Khi đã không thích thì phải đến trường là khổ như bị bệnh, chỉ cần khỏi bệnh là hạnh phúc, thành được cái gì không quan trọng. Giống như bị một căn bệnh kinh niên, sống chung thì cũng được, nhưng nếu khỏi hẳn thì tốt quá."
Giáo dục ở trường đối với Kiệt là bệnh, chỉ cần khỏi bệnh là hạnh phúc

Anh có lo ngại về việc Kiệt không chơi với bạn bè đồng trang lứa, cháu sẽ ít bạn?

- Đúng là Kiệt ít gặp các bạn đồng trang lứa hơn những bé vẫn hàng ngày đến trường khác. Nhưng cháu vẫn được gặp con cái của bạn bè tôi đến chơi. Cuối tuần về nhà cháu vẫn gặp anh chị em họ hàng, cả bạn bè của cậu em trai nữa.

Có thể với Kiệt thời gian chơi với trẻ con ít hơn nhưng không có nghĩa là không có bạn. Bạn thực sự phải là những người phù hợp. Khi có điều kiện để tự mình chọn bạn thì sẽ có ý nghĩa hơn là bị bắt buộc với một đám đông và phải lựa chọn người để chơi trong số đó. Nguyên chuyện bắt buộc đã phản tác dụng.

Bạn bè không cần phải nhiều. Chỉ cần gặp nhau 1h mà thấy hợp còn hơn là ở cạnh nhau cả năm tháng mà không hợp.

Giống như ăn phở, một người ngày nào cũng phải ăn và một người một tuần thích thì ăn một lần, liệu ai sẽ thấy phở ngon hơn?

Có hai xu hướng khi phát hiện con trẻ có tài năng hơn người. Đó là dựa vào môi trường trường lớp cho con nhanh chóng học lên những bậc học cao hơn, hoặc cho rời khỏi trường lớp để tìm thầy dạy riêng. Quan điểm của anh về việc này như thế nào?

- Đối với trường hợp của Kiệt không phải tôi cho nghỉ học để tìm cách phát triển năng khiếu của cháu. Tôi không nghĩ đến điều này. Mà chỉ đơn giản là tôi thấy giáo dục ở nhà trường đối với Kiệt là vô ích.

Khi đã không thích thì phải đến trường là khổ như bị bệnh, chỉ cần khỏi bệnh là hạnh phúc, thành được cái gì không quan trọng. Giống như bị một căn bệnh kinh niên, sống chung thì cũng được, nhưng nếu khỏi hẳn thì tốt quá.

Tại sao anh và bố mẹ Kiệt lại cho rằng cháu cần phải nghỉ học?

Vì Kiệt không còn muốn đi học, cứ đi học là stress. Và cháu cam kết là nếu không đi học cháu sẽ ổn. Đã được hơn một năm, cháu vẫn ổn.

Trẻ con không thích đến trường là chuyện thường gặp. Cháu stress đến mức độ nào mà anh lại cho nghỉ?

Nếu là con tôi thì dù ở mức độ nào tôi cũng chiều. Bởi vì không có một lý lẽ nào để ép buộc con người ta phải làm những thứ mình không muốn, nếu những điều đó chỉ là việc của cá nhân mình.

Tuy nhiên, đưa trẻ phải có một ý chí nhất định, phải biết mình muốn gì và bằng lòng với điều đó, thì người lớn mới yên tâm để cho trẻ thực hiện.

Tức là Kiệt đặc biệt mạnh mẽ?

- Không cần phải đặc biệt lắm mà chỉ cần biết mình muốn gì, như thế là đủ.

Còn với một đưa trẻ bảo là muốn cái này nhưng thực ra là muốn cái khác, thì không ai tin tưởng mà chiều theo được. Nhưng theo tôi, việc trẻ muốn một đằng nói một nẻo là hệ quả của giáo dục, với một loạt áp lực của người lớn, chứ không ai sinh ra đã thế. Đứa trẻ phải chống đối lại sự áp đặt đó.

Vì mục đích là chống đối chứ không phải là mong muốn tự thân nên rất dễ thay đổi, nay thế này, mai thế khác.

Những cái thu lượm được ở trường không đáng để đánh đổi tính độc lập

"Ở nước ngoài trẻ con ít có nhu cầu ở nhà vì bố mẹ không có thời gian và ở trường nhiều trò hấp dẫn hơn. Ở Việt Nam các gia đình thường có ông bà, họ hàng, láng giềng v.v. có thể trông cháu, và ở trường thì không thú vị gì."

Hiện nay, cũng có một số trẻ tự lựa chọn không đến trường, và trở thành trẻ hư.

Thứ nhất là chưa chắc đứa trẻ đã có sự tự lựa chọn trong quyết định của nó, mà do hoàn cảnh gia đình, trường lớp, xã hội đẩy nó đến quyết định này. Thứ hai là không phải vì nó quyết định nghỉ mà nó hư, mà có thể là đã hư rồi mới nghỉ học.

Anh là người thành công trên con đường học vấn. Anh đã từng có giai đoạn nào muốn nghỉ học chưa?

- Tôi lại chưa bao giờ muốn nghỉ học. Nhưng chính vì thế mà tôi cho rằng việc học không quan trọng. Trẻ muốn gì thì cho trẻ làm việc đấy, dù muốn đi học hay nghỉ học.

Đi học cũng có điều hay chứ, nên người lớn mới mong muốn đưa trẻ đến trường.

- Những cái người ta thu lượm được ở trường không đáng để làm mất tính độc lập của đưa trẻ. Nhiều người bảo không thiết quân luật thì trẻ không có kỷ luật. Nhưng đây là thứ kỷ luật giả tạo. Và mọi người đang quen sống với kỷ luật giả. Kỷ luật thật chỉ có khi tự mình muốn thế.

Nhưng nếu áp dụng kỷ luật cho trẻ từ rất sớm, thì thứ kỷ luật này sẽ ngấm vào trẻ và các bé sẽ thực hiện mà không cho rằng mình đang bị ép buộc?

- Thì khi đó nó chỉ là công cụ, máy móc, không còn là người. Một người bị áp đặt mà không biết thì có đáng là người nữa không?
Xã hội thị trường dựa trên mong muốn của bản thân cá nhân mới đi lên được. Ai cũng bị triệt tiêu ý muốn của bản thân thì xã hội đi lên bằng cách nào?

Theo anh, đến khi nào một đứa trẻ có đủ nhận thức là mình đang bị áp đặt và tìm cách thoát ra?

Nếu và khi nhận thức được là mình bị áp đặt thì ai cũng tìm cách thoát ra. Nhưng lúc đấy vấn đề sẽ là còn đủ năng lực để thoát ra không. Tuy nhiên, nguy cơ thực sự và cũng là tình trạng của đa số người Việt Nam hiện nay là không còn biết mình muốn gì nữa, không biết mình bị áp đặt. Khi không biết mình thực sự muốn gì thì người ta chạy theo cái đơn giản nhất là tiền, lao vào kiếm tiền một cách mù quáng, bằng mọi giá.

Anh có thể so sánh với trẻ em nước ngoài?

- Ở nước ngoài trẻ con ít có nhu cầu ở nhà vì bố mẹ không có thời gian và ở trường nhiều trò hấp dẫn hơn. Ở Việt Nam các gia đình thường có ông bà, họ hàng, láng giềng v.v. có thể trông cháu, và ở trường thì không thú vị gì.

Còn nếu so sánh nhà trường hiện nay với nhà trường thời anh đi học?

- Cái khác đầu tiên có lẽ là về mặt thời lượng chương trình học. Nhìn chung nhà trường trước đây lành mạnh hơn: không phải nhồi nhét, không phải học thêm – học như chơi. Môi trường học cũng thân thiện hơn, thầy cô không phải tìm cách đạt được một cái gì đấy ngoài lương.

Bây giờ trẻ con như một thứ hàng hóa trong một ngành dịch vụ đào tạo. Mà trẻ con nhận ra tính mục đích rất nhanh, chúng không cảm nhận đấy là thầy cô mà đấy là người bán hàng để bố mẹ chúng giao dịch. Ví dụ như trước mặt bố mẹ chúng thì chiều. Trẻ con nhận ra rất nhanh sự chiều chuộng đó có tính mục đích.

Và tôi thấy bản thân chương trình phổ thông không có giá trị gì nhiều, kiến thức phổ thông không thật sự đáng để học.

Vậy đến cấp học nào là đáng để học?

Bắt đầu từ khi mình muốn là đáng. Còn không, thì tiến sĩ cũng chẳng đáng.

Tất cả kiến thức mình học được không bao giờ có giá trị nếu mình không muốn học. Kiến thức không quan trọng, mà sự hứng thú tìm tòi, năng lực sáng tạo mới đáng để học. Nói kiến thức phổ thông không đáng học không phải vì bản thân nó không đúng hay không có ý nghĩa, mà bối cảnh truyền đạt của nó không khiến cho nó trở thành có ý nghĩa đối với đứa trẻ.

Nhưng có kiến thức vào đầu, không bổ dọc thì cũng bổ ngang chứ?

- Bạn nhầm. Có thể bổ dọc bổ ngang gì đó nhưng đó là chưa tính đến tác dụng phụ. Mà tác dụng phụ nhiều khi còn nghiêm trọng hơn cái sự “bổ” kia.

Chỉ riêng việc dừng suy nghĩ và chấp nhận áp lực bên ngoài, trở thành một thứ công cụ làm việc theo mong muốn của người khác mà không nhìn ra được mình muốn gì, trì trệ trí não, bị động… thì kiến thức khi đó chẳng để làm gì.

 Nghiêm túc dạy dỗ ở trường là có hại

Ngoại ngữ là công cụ giao tiếp, tương đối cần nhưng không quá cần thiết. Cho Kiệt học chỉ là để có hoạt động trí óc cho khỏi teo não đi thôi. Ở tuổi này chả cần học gì"

Ở trên Xuân Mai với anh, hàng ngày Kiệt làm gì?

- Kiệt chẳng làm gì. Cháu vẽ tranh, chơi với chó... Cháu cũng có học cái nọ cái kia, nhưng trẻ con có nhiều kênh để học nên thậm chí nó học lúc nào nó cũng không biết.

Được biết Kiệt đang học cả tiếng Anh và tiếng Trung với cách học khá ngẫu hứng. Anh có cho rằng học kiểu này có lãng phí?

- Kiệt học hai thứ tiếng này là do Kiệt muốn học. Nếu Kiệt không muốn nữa thì thôi. Nhưng không có gì là lãng phí hoàn toàn, vì dù sao thì cũng đã từng học, đã có khái niệm về một thứ ngôn ngữ, văn hóa. Đến khi nào thực sự cháu cần học, muốn học thì mới là cái học chính thức. Bản thân ngoại ngữ trẻ con không cần. Còn học như Kiệt hiện nay là cung cấp khái niệm, cơ sở để sau này cháu học dễ dàng hơn, không bị “lạ”. Cháu không cần thiết phải giỏi ngoại ngữ ngay lúc này.

Thế có lĩnh vực nào anh cho Kiệt học “giữ chỗ” như ngoại ngữ nữa không?

- Chả có lĩnh vực nào vì không thấy quan trọng. Ngoại ngữ là công cụ giao tiếp, tương đối cần nhưng không quá cần thiết. Cho Kiệt học chỉ là để có hoạt động trí óc cho khỏi teo não đi thôi.
Ở tuổi này chả cần học gì.

Thế đến tuổi nào mới cần học?

- Bản thân Khổng Tử đến 15 tuổi mới quan tâm đến việc học.

J.J. Rousseau (Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học, nhà văn, kịch tác gia xuất thân từ một gia đình gốc Pháp – PV) cho rằng 14, 15 tuổi mới là ngưỡng bắt đầu học. Trước đấy là thời gian tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm.

Gốc của mọi tri thức chính là từ trải nghiệm trực tiếp. Từ đó rồi rút ra kinh nghiệm, lập thành giả thuyết, lý thuyết, trường phái v.v. Trải nghiệm trực tiếp ví như hạt thóc, chưa ăn ngay được, mà phải tinh chế thành gạo rồi mới thổi thành cơm. Nhưng từ một hạt thóc lại có thể cấy thành cây lúa, từ đó mà thành muôn vàn hạt thóc. Nếu có thóc, biết cày cấy thì đủ nuôi thế giới.

Ngược lại, lý thuyết sách vở là những thứ vốn cũng từng là trải nghiệm của ai đó, nhưng đã được tinh chế, thổi thành cơm, ăn được ngay. Nhưng kiến thức đó chỉ là secondhand, là không có gốc. Những kiến thức này gần như không có khả năng sinh sản, tự nhân rộng.

Cho đến 14, 15 tuổi là khoảng thời gian để trải nghiệm trực tiếp và tích lũy kinh nghiệm, chứ không phải là học những lý luận của người khác về nó.

Cho nên, giáo dục thời gian đầu tiên phải là tạo môi trường đa dạng cho các trải nghiệm phong phú.

Nghe anh giải thích thì hay, nhưng theo anh tại sao lý thuyết này lại không thắng thế?

- Mass education xuất phát từ thời công nghiệp, dành cho tầng lớp công nhân và con cái của họ khi công nhân là lực lượng sản xuất và con trẻ là công cụ để tái tạo lực lượng. Phương pháp này xuất phát từ nhu cầu trông giữ trẻ chứ không phải vì ý muốn dạy trẻ cái gì.

Ngày nay, phương Tây đã có sự cố gắng hết mức để giảm thiểu tính đơn điệu của giáo dục đại trà bằng các sinh hoạt tập thể như dắt đi chơi, làm thí nghiệm, nhưng kết quả đạt được vẫn hạn chế. Còn nhà trường Việt Nam thậm chí không có điều kiện làm việc đó. Khi trẻ không được cung cấp lượng trải nghiệm phong phú mà chỉ dựa vào kiến thức thứ cấp thì không thể có nền giáo dục tốt. Cũng như người đầu bếp dù có nhiều kiến thức, nhiều công thức nhưng muốn có món ngon phải có nguyên liệu.

Từ thời xa xưa ở Việt Nam cũng đã có lớp học của những ông đồ rồi đấy chứ?

- Đúng vậy, nhưng trẻ đến trường là do muốn học, và được chọn thầy để học. Lứa tuổi đến trường cũng đa dạng. Một lớp học có thể có nhiều lứa tuổi, và nhiều chương trình. Ngày trước ông Chu Văn An mở trường làm gì có chuyện dạy theo lớp 1, 2, 3…
Nguyên chuyện học sinh được chọn thầy, thầy chọn trò đã không phải là mass education.

Nếu anh có quyền trong ngành giáo dục, anh có cho thay đổi độ tuổi đến trường?

- Không, mà phải là sự đa dạng về nội dung chương trình. Quan trọng là phải có sự lựa chọn, trong đó có cả sự lựa chọn không phải đến trường đúng độ tuổi.

Anh có thấy nhiều người chia sẻ quan điểm này với anh không?

- Tôi không cần tìm sự chia sẻ vì tôi không làm nghề giáo dục nên cũng không có nghĩa vụ và quyền hạn gì để bàn về vấn đề này. Tôi cũng chẳng cần bảo vệ quan điểm của tôi và không có tham vọng thay đổi nền giáo dục Việt Nam.

Chỉ có với bạn bè thì mình có sự chia sẻ, gọi là trao đổi phương pháp thôi. Có người cũng mong muốn nhưng không có điều kiện về thời gian để quan tâm khi cho con ở nhà. Và về trình độ - phải đủ sáng suốt để dám để đứa trẻ độc lập và không dạy nó quá nhiều. Rousseau nói nhiệm vụ chính của người giáo dục là ngăn cho trẻ khỏi bị ngập ngụa bởi những kiến thức và thông tin vô bổ chứ không phải  dạy chúng kiến thức. Đa số mọi người nghĩ rằng kiến thức của mình rất quan trọng, có cơ hội để áp đặt cho ai thì áp đặt ngay.

Còn kinh tế có quan trọng không?

- Kinh tế không những không quan trọng mà thường là phản tác dụng. Vì cho trẻ nghỉ học ở trường thì cần gì kinh tế đâu. Vấn đề là tạo ra một môi trường cho trẻ hoạt động, không để cho trẻ rơi vào tình trạng không biết làm cái gì khi không đến trường. Để làm được điều đó, quan trọng nhất phải có thời gian, mà đa số người có kinh tế lại không có thời gian.

www.blogchungkhoan.com
"Có nhiều bối cảnh để cho trẻ phát triển tự lập: Có thể bố mẹ không quan tâm đến con do hoàn cảnh  + quan điểm; hoặc là bản thân đứa trẻ quá mạnh mẽ, chỉ làm theo ý nó"

Nếu thêm một vài người bạn gửi con, anh có sẵn lòng?

- Mình không ngại, nhưng có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đứa trẻ đã bị làm hỏng chưa. Theo những quan điểm sư phạm hiện đại, trẻ con định hình về tâm lý và cá tính từ khoảng 6 tuổi, tức là trước khi đến trường và thời kỳ 6 năm đầu là giai đoạn rất quan trọng của giáo dục. Do không ý thức được hết điều này nên hiện nay, đa số những đưa trẻ mới 5,6 tuổi đã có một loạt định kiến trong đầu. Với những bé như thế sẽ khó để dạy. Chẳng hạn như với Kiệt tôi không mất nhiều thời gian để quan tâm trong cuộc sống hàng ngày, Kiệt chơi hay học cũng được. Nhưng nếu đứa trẻ mà cứ mè nheo, đòi nọ đòi kia, đòi phải có người để ý đến thì không được.

Như thế nào là đã bị hỏng, theo anh?

- Một người lớn không hỏng là một người có thể tự lên chương trình cả năm cho mình. Một đưa trẻ chỉ cần biết tự hoạt động một ngày là không hỏng.

Vậy làm thế nào để trẻ không hỏng?

- Có nhiều bối cảnh để cho trẻ phát triển tự lập: Có thể bố mẹ không quan tâm đến con do hoàn cảnh  + quan điểm; hoặc là bản thân đứa trẻ quá mạnh mẽ, chỉ làm theo ý nó.

Trước đây nhiều ông bố bà mẹ đông con, mải buôn thúng bán mẹt ngoài chợ, con cái phải tự học mà vẫn có những người con thành đạt. Hiện nay có điều kiện kinh tế, cả nhà xúm vào quan tâm, áp đặt nên con lại dễ hỏng.

Bố mẹ phải đủ sáng suốt dám không dạy con mà để nó tự lập. Và phải tin rằng mình đã không dạy thì chẳng có ai dạy con mình được. Phải ngớ ngẩn đến mức nào mới giao con cho người không yêu con bằng mình, kiến thức không bằng mình?

Nếu thế thì trường lớp còn duy trì để làm gì?

Vẫn luôn cần trường lớp để trông trẻ, vì đa số bố mẹ không có thời gian. Trẻ con đến trường chỉ để tụ tập, vui chơi vô thưởng vô phạt thì chả sao, cứ đến. Nhưng nghiêm túc dạy dỗ là có hại.

Giáo viên dốt mà dạy cho đủ chương trình nhưng không quan tâm lắm thì cũng chả sao, gọi là mất thì giờ của đứa trẻ thôi. Nhưng giáo viên dốt mà nhiệt tình thì rất nguy hiểm. Còn giáo viên giỏi thì sẽ biết là vấn đề không phải ở dạy, mà ở chỗ tạo niềm vui, sự hào hứng và tính tò mò cho trẻ.

Xin cảm ơn anh!

 Theo Chi Mai - VietNamNet

No comments:

Post a Comment