Saturday, October 18, 2014

Bão lửa tràn qua, chứng khoán hoảng loạn

Thị trường chứng khoán tập trung tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng 17/10 sau khi đã mất gần 3% trong phiên liền trước. Mỗi cú giảm sốc như vậy thường là cơ hội nhưng thực tế, lực mua bắt đáy vẫn khá thận trọng bởi nhiều nỗi lo đeo đẳng.

Lặp lại kịch bản tháng 5?

Sáng 17/10, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngấp nghé xanh ngay lúc mở cửa nhờ lực bắt đáy sau khi VN-Index tụt giảm hơn 17 điểm trong phiên giao dịch liền trước. Tuy nhiên, sắc xanh không duy trì được bao lâu khi mà lực bán ra vẫn ở mức cao. Chỉ số VN-Index nhanh chóng giảm và tới cuối buổi sáng đã mất hơn 9 điểm, xuống chỉ còn 578 điểm.

Như vậy, chuỗi ngày giảm giá đang kéo dài lên và là đợt giảm dài và sâu nhất kể từ giữa tháng 5 - thời điểm diễn ra các biến cố của sự kiện biển Đông.

Điểm nổi bật trong phiên giao dịch sáng 17/10 là VN-Index - chỉ số đo lường biến động giá của hơn 300 cổ phiếu - đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 580 điểm, với sự giảm giá của gần như toàn bộ các cổ phiếu, bao gồm cả nhóm blue-chips với các chỉ số cơ bản tốt.

Tâm lý lo ngại bao trùm thị trường, nhất là sau khi giới đầu tư nhận thấy thị trường dường như bị kéo lên vào đầu giờ sáng, giống một dạng biến động mà rất nhiều người lo sợ là: "Kéo lên để xả hàng".

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 9,14 điểm, tương ứng 1,56% xuống 578,03 điểm. Khối lượng giao dịch không cao, vẫn ở mức khá thấp với gần 67 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương ứng hơn 1.300 tỷ đồng.

Hàng loạt các "ông lớn" như GAS, MSN, PVD, VIC... tiếp tục giảm điểm trong sự bối rối của không ít các NĐT. Nhiều cổ phiếu lớn có hoạt động kinh doanh khá tốt khác cũng không thể xanh trong bão lửa đỏ như HPG, HSG, SSI, DPM...

Có thể thấy, sự tụt giảm của TTCK nhiều phiên giao dịch gần đây chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự giảm giá của các cổ phiếu chủ chốt trên thị trường.

HOSE như một dàn mái bị sụt xuống do một số cột chống lớn không thể nâng đỡ. Tâm lý của giới đầu tư bị ảnh hưởng không nhỏ khi những cổ phiếu đầu đàn và cả cổ phiếu có tính phòng thủ cao như dầu khí, phân bón... liên tiếp tuột khỏi các ngưỡng hỗ trợ của chính mình.

Khó xanh trong bão lửa đỏ

Cũng giống như hầu hết blue-chips, đa số cổ phiếu khác niêm yết trên sàn đều giảm dài trong cơn bão đỏ lửa lần này.
TTCK, chứng-khoán, nhận-định, VN-Index, cổ-phiếu, blue-chips
Đa số cổ phiếu khác niêm yết trên sàn đều giảm dài trong cơn bão đỏ lửa lần này.
Các CTCK lập tức có báo cáo chỉ ra nguyên nhân hiện tượng này. Trong đó, nhiều NĐT nhận thấy: TTCK đã hồi phục khá ấn tượng vài tháng qua (sau sự kiện tháng 5). Đây là thời điểm điều chỉnh khó tránh khỏi.

Mặc dù vậy, những phiên điều chỉnh có hơi hướng hoảng loạn như phiên 16/10 hay sáng 17/10 cho thấy một thực tế: Giới đầu tư có nhiều lo ngại hơn thế.

Cụ thể, TTCK Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh hàng loạt các TTCK lớn nhỏ trên thế giới bước vào một đợt điều chỉnh khá mạnh, với mức sụt giảm trên dưới 10% so với mức đỉnh gần đây.

Sự hồi phục thiếu vững chắc của châu Âu, kinh tế không mấy sáng sủa của Mỹ, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực, cùng với sự lây lan đáng ngại của virus Ebola... đang nhấn chìm nhiều TTCK và có tác động trực tiếp và gián tiếp lên TTCK Việt Nam cũng như tâm lý của các NĐT.

Hiện tượng bán tháo diễn ra mạnh mẽ trên các TTCK thế giới trong cả tháng qua. Trên TTCK Việt Nam, khối ngoại cũng bán ròng trong vài tháng gần đây và gây áp lực tâm lý không nhỏ đến các dòng tiền trong nước.
TTCK, chứng-khoán, nhận-định, VN-Index, cổ-phiếu, blue-chips
Hiện tượng bán tháo diễn ra mạnh mẽ trên các TTCK thế giới trong cả tháng qua

Trong khi đó, tình hình kinh tế trong nước, dù có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực trở lại nhưng vẫn còn khá nhiều tín hiệu vĩ mô tiêu cực như: nợ công tăng, nợ xấu tăng, DN khó khăn trong sản xuất kinh doanh...

Nhiều người trong giới đầu tư cho biết họ cũng lo ngại lượng cung hàng rất lớn với hàng loạt các vụ IPO khủng sắp tới như Vinatex, Vietnam Airlines, MobiFone... có thể nhấn chìm thị trường. Tới tháng 9, lượng DNNN cổ phần hóa vẫn còn khiêm tốn, vì thế hàng hóa sẽ dồn dập ra mắt thị trường từ nay đến cuối năm và cả năm sau.

Thông tin thiếu hấp dẫn của các DN giai đoạn này và rủi ro đầy rẫy khiến nhiều NĐT quyết định chốt lời. Ngoài ra, tâm lý lo ngại nguy cơ giải chấp cũng dẫn đến tình trạng thị trường vừa qua giảm hoảng loạn. Ai cũng hiểu rằng, tâm lý bầy đàn có thể kéo thị trường xuống tới ngưỡng mà quyền quyết định bán có thể rơi khỏi tay người sở hữu cổ phiếu.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đặc tính bầy đàn và đầu cơ cao có thể giúp TTCK hồi phục lại rất nhanh chóng, nhất là khi giá cổ phiếu xuống một mức hấp dẫn và hoạt động giải chấp dừng lại.
Bên cạnh đó, điểm cốt lõi là TTCK Việt Nam vẫn được xem là khá hấp dẫn. Hầu hết các dự báo cũng như nhận định ngoại đưa ra trong vài tháng qua đều tích cực đối với TTCK trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định trở lại.

Và, hiện tượng nhiều cổ phiếu blue-chips quay đầu tăng trở lại trong phiên giao dịch chiều 17/10 có lẽ là một chỉ báo cho thấy cầu bắt đáy đang tập trung đẩy các cột trụ của thị trường lên cao.
Theo VietNamNet 

No comments:

Post a Comment