Saturday, October 11, 2014

Chân dung 5 doanh nhân xuất sắc giành giải Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp

Ngày 08/10/2014, Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam (EY Việt Nam) đã tổ chức họp báo công bố Kết quả lễ trao giải thưởng EY – Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và phối hợp đồng tổ chức với EY để tôn vinh những doanh nhân xuất sắc đại diện cho bản lĩnh Doanh nhân Việt Nam trong tiến trình hội nhập.


Cuộc bình chọn đã diễn ra trong 9 tháng với 6 tiêu chí đánh giá là Tinh thần doanh nhân, Khả năng tài chính, Tầm nhìn chiến lược, Tư duy đổi mới, Ảnh hưởng cộng đồng và toàn cầu, và cuối cùng là tính chính trực.

1. Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen trở thành doanh nhân đoạt giải cao nhất, sẽ đại diện cho Doanh nhân Việt Nam tham dự giải thưởng Doanh nhân EY Thế giới tại Công quốc Monaco năm 2015. Trước đó, năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT của CTCP Hoàng Anh Gia Lai là doanh nhân đạt giải thưởng này.

Ông Lê Phước Vũ, sinh năm 1953, là một doanh nhân - phật tử rất thành công trên thương trường. Với doanh nhân Lê Phước Vũ, người đời có thể phong ông là đại gia vì nhiều tiền, nhưng vị này sống giản dị, ăn chay trường.


Ông Vũ khởi nghiệp kinh doanh từ một cơ sở bán lẻ tôn vào năm 1994. Năm 2001, sau 7 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm kinh doanh, ông sáng lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.

Vận dụng những kinh nghiệm tích lũy được trong ngành kinh doanh tôn - thép, chỉ trong vòng 10 năm, ông đã phát triển Hoa Sen thành doanh nghiệp thép niêm yết lớn thứ hai sàn chứng khoán về giá trị thị trường.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg vào đầu năm nay, ông Vũ gửi gắm hi vọng rằng Hoa Sen hi vọng sẽ tăng gấp 10 lần doanh thu tại Bắc Mỹ trong vòng một năm sau khi có thỏa thuận hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP):  "Chúng tôi muốn nhìn rộng hơn ra thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng nghĩ rằng họ là nhỏ nhưng thực sự không phải vậy. Chúng tôi có thể nghĩ đến các khu vực lớn hơn."


2. Bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng Giám đốc CTCP Dược Hậu Giang



Năm 2013, bà Nga (cùng với bà Mai Kiều Liên - Vinamilk) cũng được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất châu Á.


Bà Phạm Thị Việt Nga gia nhập Công ty CP Dược Hậu Giang vào năm 1988 với vai trò giám đốc xí nghiệp dược Hậu Giang (tiền thân của DHG hôm nay). Với kỹ thuật rất thô sơ, chủ yếu là sản xuất thủ công, khi kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, sản phẩm bán không được, kinh doanh thua lỗ. Nhiều lần mở hội chợ, nhưng người dân chỉ lấy thuốc của thành phố, còn thuốc của mình bị vứt bỏ đầy đường. 


Bà khởi nghiệp lại bằng nhập vàng, xuất khẩu gạo lấy đôla (Mỹ) để nhập nguyên liệu kháng sinh, máy móc mới về làm thuốc. DHG là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sản xuất kháng sinh viên con nhộng, đơn vị đầu tiên xây dựng hệ thống bán hàng trên cả nước, vực công ty trở lại.


Bằng cách sáp nhập một số doanh nghiệp về dược nhỏ, yếu kém, bà Nga đã đưa DHG từ một doanh nghiệp quốc doanh trên bờ vực phá sản trở thành công ty dược lớn nhất Việt Nam. Công ty Dược Hậu Giang hiện sản xuất và đưa ra thị trường hơn 300 sản phẩm dược phẩm. Công ty cũng tham gia quá trình sản xuất thùng chứa thuốc và bao bì. 


Trả lời phỏng vấn hồi đầu năm với báo Sài Gòn tiếp thị, bà Nga cho biết: Tôi luôn nghĩ trên đời không có việc gì khó, quan trọng là phải làm và tìm ra cách làm. Muốn làm không thể liều, phải có kiến thức để làm trúng. Nên tôi học rất nhiều, học trường, học bạn, học sách vở, và tìm đến những con người thực tế.


3. Ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tập đoàn công nghệ MK





Ông Nguyễn Trọng Khang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn MK, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Thông minh MK (MK Smart), Chủ tịch HĐQT của VinaPay. 

Ông Khang từng Giám đốc của Renong, Malaysia từ 1992-1997. Tại đây, ông chịu trách nhiệm cho các dự án phát triển và quản lý và mảng kinh doanh xuất – nhập khẩu của Công ty. Ông còn là nhà tư vấn cho các dự án của Khách sạn Sheraton Hà Nội và Khu Công nghiệp Nội Bài. 


Năm 1999, ông Khang chính là người đưa công nghệ dùng thẻ từ thanh toán, giao dịch đã rất thịnh hành ở các nước phát triển về thị trường Việt Nam. Ông từng nếm trải cảm giác thất bại cay đắng khi mới bắt đầu khởi nghiệp, khi 90% khách hàng mà Công ty mời dùng thử thẻ thông minh, gồm cả doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn đều lắc đầu. Công ty thua lỗ và tiêu gần hết số vốn góp khi thành lập doanh nghiệp... 


Cuối năm 2002, ông Khang liên doanh với nhà đầu tư Sinclair Tek (Mỹ) xây dựng Công ty liên doanh thẻ thông minh MK (MK Smart Card Joint Venture Company - MK JVC). Với vốn đầu tư hơn 2 triệu USD, MK đã xây dựng 1 nhà máy sản xuất thẻ tại KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) với công nghệ có khả năng sản xuất 30 triệu thẻ/năm, cá thể hóa 5.000 thẻ/giờ và đã đi vào hoạt động từ năm 2007.


Với vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thông minh MK hiện là nhà sản xuất thẻ lớn nhất Việt Nam, có khả năng sản xuất hơn 100 triệu thẻ/năm và cá thể hóa tới 60.000 thẻ/ngày. Đáng chú ý là dây chuyền sản xuất này được Tổ chức MasterCard và Visa cấp chứng nhận dành cho những nhà sản xuất và cung cấp, cá thể hóa thẻ tài chính.


4. Ông Huỳnh Quang Đấu – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) 
Antesco trước kia chỉ là công ty chuyên về phân phối vật tư nông nghiệp thua lỗ và sự lột xác của doanh nghiệp này có công sức lớn của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Huỳnh Quang Đấu.

Năm 1988, ông Đấu được bổ nhiệm Giám đốc công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang, được coi là “ghế nóng” bởi trước đó công ty kinh doanh thua lỗ nặng.


Năm 1993, ông Đấu đã xây dựng nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất, chế biến và đông lạnh rau quả (đầu tiên tại ĐBSCL) để xuất sang Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, Mỹ, EU… Đến năm 2000, ông cho xây dựng tiếp nhà máy thứ hai với dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ.


Năm 2014, sản lượng xuất khẩu của Antesco đạt 12.000 tấn, doanh thu 13,5 triệu USD. Tháng 9/2014, công ty khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau quả thứ ba tại huyện Châu Phú với công suất 10.000 tấn/năm.


Hiện tại, Antesco là một thương hiệu xuất khẩu rau quả lớn tại vựa trái cây đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện có gần 70 sản phẩm rau quả chế biến, đạt sản lượng 12.000 tấn rau quả xuất khẩu/năm, xuất sang EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Dự kiến, trong năm 2015, công ty xuất khẩu trên 20.000 tấn/năm, thu về khoảng 25 triệu USD/năm, tiêu thụ trên 100.000 tấn nguyên liệu rau quả trong tỉnh và các tỉnh ĐBSCL.


5. Ông Phan Quốc Công- Tổng giám đốc CTCP Hàng Gia Dụng Quốc tế/ICP
Ông Phan Quốc Công là nhân vật có tiếng vang lớn trong lĩnh vực marketing ở Việt Nam. Ông từng làm việc tại nhiều tập đoàn lớn như Công ty Electrolux, Công ty Dược phẩm SKB (phát triển các nhãn hàng như Panadol, Aquafresh…) hay Nestle trước khi thành lập ICP.


Năm 2001, ICP ra đời với hoạt động sản xuất các sản phẩm làm sạch gia dụng với tổng số vốn 2 tỷ đồng. Năm 2002, sản phẩm đầu tiên của Công ty là nước rửa rau quả Vegy. Thành công thực sự đến khi ông Công tung ra thị trường thương hiệu dầu gội X-men năm 2003 với slogan đơn giản mà ấn tượng “Đàn ông đích thực”, nhấn mạnh yếu tố "nước hoa" và đây là sản phẩm tạo nên sự phát triển đột phá cho ICP. 


Năm 2007, ICP được công nhận là một thương hiệu có giải pháp marketing tốt nhất tại Việt Nam. Năm 2011, ICP là một trong số không nhiều công ty mạnh của Việt Nam hòa vào làn sóng M&A với việc bán tới 85% cổ phần cho Marico (Ấn Độ). 


Và thực tế đã chứng minh, việc bán cổ phần của ICP cho Marico là một quyết định thông minh. Với hệ thống phân phối lớn ở nước ngoài, chúng tôi đã có một hướng nhìn chắc chắn trong tương lai, ICP sẽ thoát mình, vươn cao ra thế giới”, Phan Quốc Công nói và cho biết thêm, 3 năm sau khi trở thành công ty thành viên của Marico là ba năm ICP thành công nhất trong lịch sử phát triển của mình. Nếu doanh số 3 năm trước là 20 triệu USD, thì nay đã tăng gấp 2,3 lần, đạt trên 50 triệu USD.
 Theo Infonet

No comments:

Post a Comment