“Chúng ta nhiều chính sách kinh khủng nhưng chủ yếu vẫn mang tính chắp vá, đắp vào những lổ hổng chứ không phải là chủ động”.
Đó chính là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức” sáng nay 10/10
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong giai đoạn 2013-hết quý 3/2014 GDP đã có xu hướng tăng lên nhưng mức tăng trưởng còn rất mong manh, chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân được Thứ trưởng cho là do Việt Nam phải chịu tác động và đối mặt với nhiều khó khăn của kinh tế thế giới, nội lực của đất nước còn hạn chế, nhu cầu nội địa thấp…
Tuy nhiên, xét về tổng thể Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định kinh tế trong nước chưa như mong đợi, hiệu quả đầu tư thấp chưa có nền tảng, mô hình tăng trưởng thiếu tính vững chắc, xuất khẩu dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI…
Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng với các kết quả đạt được không nên so sánh theo chiều dọc, mà nên so chiều ngang để thấy được Việt Nam đứng ở vị trí như thế nào so với các nước cùng điều kiện, hoàn cảnh, trong cùng thời gian như nhau…. Ông Dũng nhận định, kinh tế thế giới có tác động lớn là bối cảnh chung tại sao các nước trong bối cảnh như nhau nhưng vẫn phát triển được nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm, vẫn mong manh!
Thứ Trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Vấn đề lớn nhất của chúng ta là con người, thể chế. Hiện nay, thể chế chính sách của chúng ta vẫn thiếu tính định hướng dài hạn, cơ chế chính sách chỉ mang tính chắp vá bù đắp lại những lỗ hổng chứ không phải chủ động. Các chính sách thì nhiều kinh khủng trong khi không có nguồn lực để làm và làm không tập trung nên không hiệu quả vậy thì làm sao phát triển được”.
Ông Dũng cho rằng trong thời gian tới rất nhiều cơ hội đến với Việt Nam. Ông lấy ví dụ, từ khi xảy ra sự kiện ở Ukraine, Liên Bang Nga đã bị rút vốn gần 400 tỷ USD, biểu tình ở Hong Kong cũng mất 278 tỷ USD một ngày. “Cơ hội có thể tự nhiên nó đến, đôi khi khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Cơ hội cũng có thể do chúng ta chủ động tạo ra quan trọng là phải nhanh nhạy, nắm bắt lấy”, ông Dũng cho hay.
“Đã đến lúc kinh tế Việt Nam phải có những thay đổi cơ bản. Trong thời gian tới không có động lực mới Việt Nam sẽ tụt hậu. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người chúng ta chỉ còn hơn hơn Myanma, Lào, Capuchia. Tôi e rằng cứ trong tình trạng này trong vòng 3-5 năm tới các nước này vượt mình. Lúc đó đứng chót trong khu vực Đông Nam Á thì chết rồi”, ông Dũng cảnh báo.
Theo Thứ trưởng Dũng, Nhà nước đã nhận diện được những tồn tại và đang nỗ lực thay đổi căn bản như: tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, sửa đổi luật doanh nghiệp.... Việc thay đổi này đã đạt được một vài kết quả ban đầu: lạm phát giảm, GDP tăng, tăng trưởng tín dụng, dự trữ ngoại tệ cao…
Nói về việc chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2025, ông Dũng nhận định Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập quốc tế. Riêng giai đoạn 2014-2020,Việt Nam phải thực hiện được mục tiêu cụ thể: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; Tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân; nâng cao năng lực cạnh tranh; Phát triển kinh tế thị trường gắn với tăng trưởng bền vững; Cơ cấu lại sản xuất, dịch vụ, chú trọng đến yếu tố con người, công nghệ… Đặc biệt phải tận dụng tốt các cơ do hội nhập kinh tế thế giới mang lại.
Theo Hướng Dương - Infonet
No comments:
Post a Comment