Tuesday, October 28, 2014

Tính cần kiệm của 'Vua dầu lửa' Rockefeller

John D. Rockefeller, người đứng đầu đế chế dầu lửa hùng mạnh của Mỹ và thế giới, được mệnh danh là vua dầu lửa và có trong tay hàng tỷ đôla, không những rất tiết kiệm mà còn dạy con cái sống một cách thanh bần. 
 Vua dầu lửa John D. Rockefeller năm 1885. Ảnh: rockefeller.org

Rockefeller (1839-1937) đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành dầu lửa và xác lập cơ cấu của các tổ chức từ thiện hiện đại. Năm 1870, ông lập công ty dầu lửa Standard Oil và điều hành nó cho đến tận khi nghỉ hưu. Công ty này về sau nằm trong một tổ chức hợp tác cùng 5 hãng khác và tạo thành một đế chế dầu lửa. Khi vai trò của dầu hỏa và xăng ngày càng tăng, túi tiền của Rockefeller ngày càng nặng, và ông trở thành người giàu nhất thế giới, là người đầu tiên có tài sản trị giá trên 1 tỷ USD. Nếu tính đến yếu tố lạm phát, Rockefeller thường được cho là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại. 

Khi còn điều hành công ty, ông chỉ trích gay gắt “sự phí phạm” trong cạnh tranh không kiểm soát và luôn cho rằng mục đích của ông là đúng đắn. Rockefeller còn là một người khó gần đến kỳ lạ và sự khó gần này hoàn toàn có chủ ý. Về sau này, ông đọc lại một bài thơ mà ông còn nhớ:

Con cú già khôn ngoan sống trong cây sồi già
Càng chứng kiến nhiều, nó càng nói ít
Càng nói ít, nó càng nghe nhiều
Tại sao chúng ta không giống như con cú già kia?

Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, Rockefeller đã quyết tâm “ít phô trương nhất ở mức có thể”. Ông là người có óc phân tích, có tính hoài nghi và luôn giữ khoảng cách với mọi người. Thái độ lạnh lùng, xa cách và cái nhìn chằm chằm, xuyên thấu của Rockefeller khiến người khác cảm thấy thiếu tự tin.
Một lần, ông gặp gỡ một nhóm các chủ công ty lọc dầu tại Pittsburgh. Sau cuộc gặp, nhiều người trong số này đi ăn tối. Câu chuyện của họ tập trung vào người đàn ông lầm lì, không thân thiện và khiến họ thấy e dè. Một người nói: “Tôi không biết ông ta bao nhiêu tuổi nữa”. Nhiều người khác đưa ra dự đoán của họ. Cuối cùng, một người nói: “Ông ta để cho mọi người nói trong khi bản thân ngồi yên và chẳng nói gì. Nhưng có vẻ ông ta nhớ hết mọi thứ và khi thật sự bắt đầu, ông ta nói đâu vào đấy… Tôi đoán ông ta đã 140 tuổi rồi, vì khi mới ra đời, hẳn là ông ta đã 100 tuổi”.

Có người từng làm việc cho Rockefeller đã gọi ông là “người vô cảm nhất mà tôi từng biết”. Nhưng, dĩ nhiên, còn có một con người khác phía sau tấm mặt nạ này. Thập kỷ 1870 và 1880 là những năm thành công những cũng đầy gay cấn và căng thẳng. Rockefeller từng nói: “Tất cả tài sản mà tôi làm ra vẫn chưa thể bù đắp cho những lo lắng tôi phải chịu đựng trong thời kỳ đó”. Vợ ông cũng nhớ về thời kỳ đó như là “những tháng ngày của lo âu”.

Rockefeller tìm nhiều cách để thư giãn, nghỉ ngơi. Cuối ngày, trong những cuộc họp bàn về công việc kinh doanh, ông thường nằm xuống một chiếc trường kỷ và tham gia thảo luận trong khi nằm dài trên ghế. Rockefeller còn giữ một dụng cụ tập căng cơ rất thô sơ trong phòng làm việc. Và cuối ngày, ông thường cưỡi ngựa đi dạo, tiếp đó là nghỉ ngơi và ăn tối, sẽ giúp Rockefeller sảng khoái trở lại.
Tại Cleveland, ngoài công việc kinh doanh, cuộc sống của Rockefeller tập trung vào nhà thờ Baptist. Ông là giám thị của trường đạo ở đây và đã để lại ấn tượng không thể phai mờ đối với một học sinh của trường, cũng là một người bạn của các con ông. 

Nhiều năm sau đó, người phụ nữ này nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ Rockefeller khi ông hướng dẫn các buổi thể dục ở trường dòng. Cái mũi dài, nhọn và cái cằm cũng dài, nhọn của ông giơ cao trước mặt bọn trẻ. Đôi mắt xanh xám của ông không bao giờ thay đổi cảm xúc. Rockefeller luôn nói chậm rãi đến mức như lè nhè và khiến người ta không nghi ngờ gì về việc ông đang thích thú với vị trí của mình. Lòng mộ đạo chính là thú tiêu khiển số một của ông ấy”.

Rockefeller yêu mến điền trang Forest Hill của ông, một điền trang ở ngoại ô Cleveland, và dành nhiều thời gian để chỉnh trang nơi này – xây dựng một lò sưởi bằng loại gạch đỏ đặc biệt; trồng cây cối; mở những con đường mới xuyên qua rừng. Ông tiếp tục thú tiêu khiển quy mô lớn hơn khi chuyển tới một điền trang mới rộng lớn ở vùng đồi Pocantino, phía bắc thành phố New York. Tại đây, ông chỉ đạo việc tạo dựng cảnh quan và tự mình dùng cọc và cờ để bố trí những con đường mới. Đôi lúc, ông làm việc cho đến lúc mệt rã rời. Niềm đam mê đối với việc xây dựng cảnh quan của Rockefeller xuất phát từ chính tài năng tổ chức giúp ông trở thành nhân vật vô cùng đáng nể trong kinh doanh.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ comple cũ cho tới khi chúng sờn rách. Một trong những món ăn ông yêu thích vẫn là bánh mì và sữa. Một lần, ở Cleveland, ông mời hai vợ chồng doanh nhân nổi tiếng của địa phương đến trang trại Forest Hill nghỉ hè. Sau này, họ nhận được từ Rockefeller một hóa đơn tiền ăn 600 đô-la. 

Rockefeller không phải là không có khiếu hài hước, thậm chí còn là một người khôi hài, nhưng ông chỉ thể hiện điều này với rất ít người. Vào bữa tối, ông có thể làm cả nhà vui bằng cách hát, đặt một chiếc bánh quy lên mũi rồi đưa chiếc bánh đó vào miệng, hoặc đặt một chiếc đĩa thăng bằng trên mũi. Rockefeller cũng rất thích ngồi chơi với các con và bạn bè chúng.

Ngay từ khi bắt đầu kiếm ra tiền, Rockefeller đã tài trợ những khoản tiền nhỏ cho nhà thờ. Thời gian trôi qua, số tiền tài trợ mỗi ngày một lớn và Rockefeller luôn nỗ lực ban tặng một phần lớn trong khối tài sản ông tích luỹ được. Cách xem xét tỉ mỉ và đánh giá thận trọng trong kinh doanh cũng được Rockefeller áp dụng trong hoạt động từ thiện, và cuối cùng, các khoản tài trợ của ông được dành cho khoa học, y tế và giáo dục. Tuy nhiên, ở thế kỷ 19, phần lớn số tiền làm từ thiện của Rockefeller là dành cho nhà thờ Baptist, nơi ông trở thành con chiên có ảnh hưởng nhất.

Cuối thập niên 1880, Rockefeller quyết tâm sáng lập một trường đại học lớn. Thực hiện hành động nghĩa cử đó, ông đã tài trợ tiền bạc và tổ chức thành lập Đại học Chicago. Sau đó, ông tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất của trường đại học này.
bcbg
Cuốn sách 1.200 trang này giới thiệu chân dung những ông trùm, các chính trị gia, những cuộc chiến xoay quanh kho vàng đen của thế giới.
Mặc dù rất quan tâm đến sự phát triển của trường, song Rockefeller không can thiệp vào công tác dạy học, ngoại trừ việc yêu cầu trường không được chi tiêu vượt ngân sách. Ông từ chối việc đặt tên ông cho bất kỳ tòa nhà nào và chỉ đến thăm trường hai lần trong 10 năm đầu tiên sau ngày thành lập. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào năm 1896, nhân dịp kỷ niệm năm năm ngày thành lập trường. Trong cuộc gặp mặt, ông phát biểu: “Tôi tin tưởng vào việc thành lập trường đại học này. Đây là vụ đầu tư tốt nhất tôi từng thực hiện trong đời… Chúa đã cho tôi tiền bạc và làm sao tôi có thể không tài trợ cho Đại học Chicago chứ?” Một nhóm sinh viên đã hát cho ông nghe:
John D. Rockefeller, con người tuyệt vời đã cho chúng ta hết chỗ tiền lẻ để dành của mình.

Tính đến năm 1910, “chỗ tiền lẻ để dành” mà Rockefeller tài trợ cho Đại học Chicago lên tới 35 triệu đôla. Tổng cộng, số tiền làm từ thiện của ông vào khoảng 550 triệu đôla.

Những thói quen trong công việc cũng được Rockefeller đưa vào cuộc sống riêng. Thời kỳ đó là những thập kỷ của Kỷ nguyên vàng, thời kỳ mà “những quý tộc kẻ cướp” làm ra những khối tài sản khổng lồ và tạo ra những lối sống xa hoa, phóng túng. Ngôi nhà tại New York và điền trang Pocantico của nhà Rockefeller cũng thật sự sang trọng, nhưng ông và gia đình vẫn đứng bên ngoài sự sặc sỡ, phô trương và trần tục của thời kỳ đó. 

Rockefeller và vợ muốn dạy cho con cái về những giá trị của lối sống thanh bạch để tránh cho chúng bị hủy hoại bởi chính những khoản thừa kế lớn. Do đó, bọn trẻ nhà Rockefeller chỉ có duy nhất một chiếc xe ba bánh để học cách chia sẻ. Tại thành phố New York, cậu con trai John D. Rockefeller Con phải đi bộ từ nhà đến trường và từ trường về nhà trong khi những đứa trẻ con nhà giàu khác được đưa đón bằng xe và có người phục vụ đi cùng. Còn để có tiền tiêu vặt, cậu phải làm việc trên các điền trang của cha với mức lương giống như những công nhân khác.

Năm 1888, Rockefeller đưa gia đình cùng hai vị mục sư của nhà thờ Baptist tới châu Âu ba tháng. Mặc dù không biết tiếng Pháp, ông vẫn xem kỹ từng khoản trên mỗi hóa đơn. “Poulet!” ông kêu lên, rồi quay sang hỏi con trai John “Poulet là cái gì?”. Được giải thích rằng đó là món gà tây, ông lại tiếp tục xem những khoản mục khác và hỏi xem đó là gì. 

Sau này, John nhớ lại: “Bố tôi không bao giờ muốn thanh toán một hóa đơn khi chưa biết mọi khoản trên hóa đơn có chính xác hay không. Đối với một số người, bận tâm đến những thứ nhỏ nhặt dường như là bủn xỉn, nhưng đối với cha tôi, đó là cách thể hiện của một quy tắc sống”. 

(Trích từ cuốn Dầu mỏ - Tiền bạc và Quyền lực)/ Vnexpress

Di sản Rockefeller

Bất luận thế nào, John Davison Rockefeller cũng được nhìn nhận như một thiên tài kiệt xuất về kinh doanh. Bên cạnh những chỉ trích chua cay, cũng có vô số quyển sách viết về triết lý kinh doanh và những bài học kinh nghiệm của Rockefeller. Thế hệ hậu sinh vẫn xem Rockefeller như một thần tượng mang màu sắc huyền thoại…

“Giã từ vũ khí”


Khi bị báo chí tấn công, Rockefeller bác bỏ tất cả cáo buộc. Ông khẳng định Standard Oil là tập đoàn làm ăn đàng hoàng và rằng ông kiếm tiền một cách trung thực và đầy danh dự.


Ở thời mà tài nguyên được khai thác manh mún không hiệu quả, ông nói, thì việc sáp nhập trong công nghiệp là điều cần thiết. Ông nói mình tự hào trước những thành công trong khi nhiều kẻ khác thất bại trong một ngành công nghiệp nguy hiểm và đầy rủi ro như dầu, rằng ông hãnh diện khi có thể nói chưa hề có “giọt nước” nào nổi váng trong biển dầu cổ phiếu của Standard Oil.
 Một tàu chở dầu của Standard Oil

Phủ nhận việc chơi ép để buộc đối thủ quy phục dưới trướng, Rockefeller nói rằng, tất cả họ đều vui vẻ tham gia bởi họ hiểu rằng việc sáp nhập vào Standard Oil chỉ giúp họ trở nên giàu có, hơn là một mình một ngựa chạy đua với Standard Oil để rồi trở thành kẻ thất bại ra về tay không. Bất luận thế nào, khả năng làm giàu của Rockefeller cũng là điều thật sự đáng khâm phục. Năm 1902, một kết quả kiểm toán cho biết tài sản Rockefeller là khoảng 200 triệu USD (trong khi GDP Mỹ lúc đó chỉ khoảng 24 tỉ USD) và lên đến 900 triệu USD vào thời điểm cuối Thế chiến thứ nhất rồi 1,4 tỉ USD vào thời điểm ông từ trần. Chẳng có ai trong lịch sử cận đại Mỹ (cũng như thế giới) giàu bằng ông - nếu xét theo tỉ lệ với GDP nước Mỹ.


Năm 1895, ở tuổi 56, Rockefeller quyết định nghỉ hưu, chỉ duy trì vị trí Chủ tịch Standard Oil Company of New Jersey với số vốn 110 triệu USD. Năm 1911, ông rời khỏi vị trí cuối cùng trên trong sự nghiệp, 6 tháng sau khi Tập đoàn Standard Oil bị buộc phải tách nhỏ thành 34 công ty theo phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (trong số đó, có Continental Oil mà sau này trở thành Conoco; Standard of Indiana sau này trở thành Amoco mà nay thuộc BP; Standard of California sau này trở thành Chevron; Standard of New Jersey sau này trở thành Esso rồi đổi thành Exxon và nay thuộc ExxonMobil…).


Trong danh sách những người giữ cổ phiếu Standard Oil thời điểm tập đoàn bị xử tội độc quyền, riêng Rockefeller có 247.692 cổ phiếu với giá thị trường 167.192.000USD – một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản khổng lồ của ông (trong đó có các cổ phiếu trong nhiều ngành công nghiệp khác)...

Sau sinh nhật lần thứ 34, Rockefeller có thói quen ngủ trưa một hoặc hai tiếng sau bữa ăn và thường xuyên bỏ ra ba hoặc bốn buổi chiều hàng tuần để chơi golf hay về khu biệt thự vườn khổng lồ tự tay ông trồng cây (ông chơi golf đến tận tuổi xế chiều và thậm chí dự tính tổ chức một trận thi golf vào sinh nhật lần thứ 100).


Rockefeller có nhiều ngôi nhà nhưng khu biệt thự nhà vườn tại Pocantico Hills gần Tarrytown (New York) là nơi ông thích nhất. Nằm trên ngọn đồi nhìn xuống dòng Hudson, trang viên Rockefeller có diện tích 12.140.569 m2 với những khu vườn cực đẹp. Rockefeller đã bỏ ra hơn 2 triệu USD để xây khu trang viên này. Khu nhà có 350 nhân viên và 30 nhóm làm việc thường xuyên để chăm sóc toàn bộ, với chi phí nửa triệu USD/năm.


Với bản chất điềm tĩnh thiên phú, Rockefeller chưa bao giờ thể hiện sự buồn bã hoặc vui mừng thái quá. Ông không bao giờ uống rượu hoặc hút thuốc, luôn duy trì chế độ ăn uống điều độ và thể dục thường xuyên.


Khi ở tuổi 82, Rockefeller thậm chí còn chưa biết uống thuốc là gì. Càng về già, ông càng tĩnh tại. Sau mỗi bữa ăn, ông ngồi lại bàn và chơi trò giải số Numerica với đám người giúp việc. Ông đi ngủ sớm và dậy sớm. Khi thư giãn, ông lặng lẽ nghe nhạc, thường là những bản nhạc xưa hay các ca khúc Negro (da màu). Thích đùa với đám cháu, ông cũng dạy chúng cách để dành và cách cho đi – như chính ông từng được bố mẹ dạy.


Khi ra ngoài, ông thích đội tóc giả. Rockefeller thậm chí có nhiều bộ tóc giả, được một chuyên gia tại Washington làm riêng – một bộ để đi đánh golf, bộ khác đi lễ nhà thờ… Về già, Rockefeller dễ kết bạn với người lạ hơn so với hồi còn trẻ. Ông thường bỏ đầy túi những đồng xu mới tinh để phát cho các cô gái, chàng trai tình cờ gặp trên đường hay cho nhóm ca sĩ hát rong ở bến phà. Ông cũng tỏ ra thân thiện với báo chí hơn là giữ bộ mặt lạnh lùng và thái độ khép kín như thời còn ở ngai vua dầu mỏ.

Dù thích làm từ thiện nhưng Rockefeller lẫn vợ đều không quan tâm đến các vấn đề xã hội nằm ngoài phạm vi những người thân quen lâu năm. Phần mình, bà Rockefeller sống cả đời cho gia đình, giáo hội và hoạt động từ thiện. Trong những năm tháng cuối cùng, bà không thể đi lễ và Rockefeller mang về cho bà những ghi chép lời giảng mỗi chủ nhật. Năm 1915, bà Rockefeller chết tại Pocantico Hills khi chồng đang ở miền Nam nước Mỹ.

Nhà từ thiện không biết mệt


Những kẻ thù ghét miêu tả Rockefeller là một doanh nhân khát máu với kỹ năng bậc thầy trong thủ đoạn nhưng Rockefeller cũng để lại lịch sử với tư cách một doanh nhân làm từ thiện không biết mệt. Ông đã miệt mài làm từ thiện ở cái thời mà khái niệm “trách nhiệm cộng đồng” của công ty vẫn còn chưa ra đời (và phổ biến như hiện nay đến mức bị lợi dụng chỉ nhằm mục đích quảng bá hình ảnh công ty).
 Rockefeller cũng ghi dấu ấn trong lịch sử với tư cách một doanh nhân làm từ thiện không biết mệt

Số tiền làm từ thiện của Rockefeller còn nhiều hơn cả vua (công nghiệp) thép Andrew Carnegie – một gương mặt huyền thoại với dấu ấn đậm nét không thua mấy so với Rockefeller, vốn nổi tiếng sống vì cộng đồng với tổng số tiền dùng cho từ thiện lên đến 350 triệu USD. Từ năm 1855-1934, Rockefeller tặng quà cho các tổ chức từ thiện lẫn tổ chức giáo dục với giá trị lên đến 530.853.632USD. Trong số trên, 182.851.480USD được gửi đến Tổ chức Rockefeller; 129.209.167USD đến General Education Board; 73.985.313USD đến Laura Spelman Rockefeller Memorial và 59.931.891USD cho Viện Nghiên cứu Y học Rockefeller (do ông sáng lập; năm 1965, đổi thành Đại học Rockefeller).


Đó là chưa kể số quà trị giá 34.708.375USD cho Đại học Chicago; cho các giáo hội Tin Lành; cho các tổ chức Thanh niên Công giáo (YMCA và YWCA); cho các trường đại học: Yale, Harvard, Columbia, Brown, Bryn Mawr, Wellesley và Vassar. “Nếu mục tiêu duy nhất của bạn là làm giàu, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được” – với câu nói trên của ông, có thể thấy thêm điều ẩn bên trong của con người tư bản Rockefeller, một đại tư bản không thuộc loại chỉ biết vơ vét, bòn rút và ích kỷ. Như New York Times (24-5-1937) viết trong bài báo tưởng niệm cái chết John Davison Rockefeller: “Câu chuyện về Rockefeller, về một người khởi nghiệp từ con số không, tích lũy được rất nhiều và cho đi cũng rất nhiều, thật sự là trường hợp điển hình nổi bật của tính lãng mạn trong làng doanh nghiệp Mỹ”.


Ngày 23-5-1937, chỉ hai tháng trước sinh nhật lần thứ 98, Rockefeller chết bởi chứng xơ cứng động mạch, tại nhà riêng ở Ormond Beach (Florida). Ông được chôn cất tại Lake View (Cleveland). Đến nay, cái bóng dòng họ Rockefeller vẫn tiếp tục ngự trị trong lịch sử Mỹ. Một người cháu ruột, David Rockefeller, từng là ông chủ ngân hàng lừng lẫy ở New York, với hơn 20 năm ngồi ghế Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Chase Manhattan (bây giờ là JPMorgan Chase). Một người cháu khác, Nelson A. Rockefeller, từng là Thống đốc New York (thuộc đảng Cộng hòa) và là Phó tổng thống Mỹ thứ 41. Và một người cháu nữa, Winthrop Rockefeller, Từng là thống đốc Arkansas (cũng thuộc đảng Cộng hòa). Hiện thời (2011), người cháu thuộc thế hệ thứ tư, John D. “Jay” Rockefeller IV, là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ (West Virginia).


Những bài học để lại


“Bí quyết thành công là, làm tốt những điều bình thường theo cách không bình thường” - Rockefeller từng nói. Trong sự nghiệp, Rockefeller luôn thực hiện công việc với tinh thần tập trung cao và ông luôn ám ảnh bởi “tính hiệu quả”. Khi xây các nhà máy lọc dầu, ông luôn đặt cao yếu tố chất lượng với tính cạnh tranh mà các đối thủ không thể so sánh. Bài học thứ hai của ông là tìm “con đường đi mới”. “Nếu muốn thành công, bạn phải đi trên những con đường mới chứ không phải là những lối mòn của những thành công vốn đã được chấp nhận”; “Đừng ngại bỏ cái tốt để đi tìm cái vĩ đại”… Đó là những câu “sấm truyền” của Rockefeller.


Trong thực tế, Rockefeller luôn trung thành với triết lý kinh doanh của ông. Một trong những “con đường mới” của Standard Oil là tấn công vào thị trường châu Á. Thập niên 90 của thế kỷ XIX, Standard Oil bắt đầu tiếp thị dầu lửa tại Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với khoảng 400 triệu người dùng dầu lửa thắp sáng. Tại nước này, Standard Oil bán dầu với thương hiệu “Mei Foo” (Mỹ Phu – “mỹ” có nghĩa đẹp và “phu” có nghĩa niềm tin). Thời gian đầu, Mỹ Phu được bán với giá cực rẻ hoặc thậm chí cho không tại các vùng quê nghèo, nhằm thuyết phục dân Trung Quốc bỏ đèn dầu thực vật (lạc chẳng hạn) sang dùng đèn dầu. Kết quả, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Standard Oil tại châu Á!
 Standard Oil và chiến dịch thuyết phục người dân Trung Quốc bỏ đèn dầu thực vật, chuyển sang dùng dầu hỏa

Còn nữa, cuối thế kỷ XIX, Rockefeller bắt đầu đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất, khi Thomas Edison chế tạo được bóng đèn điện. Đã có đèn điện rồi còn ai cần đèn dầu! Tuy nhiên, Rockefeller đã nhanh chóng tìm lối thoát bằng một “con đường mới”: Chế tạo xăng cho ngành công nghiệp xe hơi cũng vừa bắt đầu chập chững hình thành!


Bài học thứ ba là: “Tham vọng”. “Tôi không nghĩ một người chỉ bắt đầu bằng ý tưởng làm sao mình trở nên giàu lại có thể thành công nếu anh ta không có tham vọng lớn hơn”; và rằng “Con đường đi đến hạnh phúc chỉ nằm ở hai nguyên tắc: Tìm những gì khiến bạn quan tâm và bạn có thể làm tốt; Đặt toàn bộ tâm hồn bạn vào đó với từng mảnh năng lượng, lòng tham vọng cũng như khả năng tự nhiên mà bạn có”.


Bài học thứ tư là: “Phát triển kỹ năng lãnh đạo”. “Lãnh đạo tốt là người có khả năng hướng dẫn cho người trung bình biết cách làm loại công việc của người tài giỏi hơn” - Rockefeller nói. Trong thực tế, Rockefeller cho thấy ông chỉ là một người “trung bình” cố hết sức để làm những việc tưởng chừng ngoài khả năng. Và với câu nói sau, người ta có thể thấy thêm tài dụng nhân của ông: “Khả năng xử lý với con người là thứ có thể mua được như bất kỳ hàng hóa nào. Chẳng hạn như cà phê hay đường, và tôi sẽ sẵn lòng trả giá cao hơn để mua thứ khả năng đó hơn là bất kỳ thứ gì khác trên đời”; rằng: “Tôi thà kiếm được 1% từ nỗ lực của 100 người khác hơn là 100% từ chính nỗ lực cá nhân của tôi”.

Cuối cùng, bài học thứ năm của Rockefeller là: “Tôn trọng lương tri”. Bằng cách đó, Rockefeller đã không sống ích kỷ. “Câu hỏi duy nhất với sản nghiệp giàu có là bạn sẽ làm gì với nó?” – ông nói. Rockefeller đã chẳng là “tên tư bản khát máu” khi nói rằng: “Tình bằng hữu tìm thấy trong làm ăn là một thương vụ tốt hơn một thứ làm ăn dựa trên tình bằng hữu”.


Đánh giá lại sự nghiệp Rockefeller, nhà báo - sử gia nổi tiếng chuyên viết thể loại tiểu sử, Allan Nevins (1890-1971), nhận xét: “Sự giàu có của những người Standard Oil đã chẳng phải là hiện tượng một sớm một chiều mà là thành tựu đạt được trong một phần tư thế kỷ, từ sự đầu tư can đảm vào một lĩnh vực mà mức độ rủi ro của nó cao đến độ hầu hết những nhà tư bản đều tránh né; bằng sự lao động bền bỉ; và bằng sự hoạch định minh mẫn nhìn xa trông rộng… Tài sản từ công nghiệp dầu năm 1894 không hề lớn hơn lợi nhuận từ công nghiệp thép, công nghiệp ngân hàng và công nghiệp hỏa xa trong cùng giai đoạn… Chúng ta có thể kết luận rằng tài sản mà ông ấy (Rockefeller) có là ít bị vấy bẩn nhất trong tất cả tài sản khổng lồ khác ở thời ông ấy”.

Samsung và những chuyện chưa bao giờ kể

Mới chỉ cách nay vài năm, nói đến Samsung, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là những chiếc điện thoại dạng nắp gập nhỏ nhắn, giá rẻ và... rất hay đứt cáp màn hình. Ngay từ khi biết sử dụng điện thoại, đối với tôi Samsung luôn là 1 thương hiệu "hạng hai" dành cho các bà nội trợ, trẻ con và người cao tuổi. 

Hiện giờ trên mặt bàn làm việc của tôi đang là 1 chiếc Galaxy Note 2, nâng cấp từ Samsung Galaxy Note, ấn tượng ngày nào về 1 thương hiệu "hạng hai" vẫn còn đó, nhưng để thỏa mãn những nhu cầu của mình về 1 chiếc smartphone màn hình lớn, pin "trâu" và chất lượng ổn định, tôi không tìm được giải pháp nào phù hợp hơn Galaxy Note 2.

Dù thích hay ghét Samsung, chúng ta không thể không thừa nhận với nhau 1 điều rằng trong hoàn cảnh thị trường smartphone hiện giờ vẫn là cuộc đua song mã giữa Samsung và Apple trong khi tất cả các nhà sản xuất còn lại đều đang giãy giụa với nỗ lực "trụ hạng" hoặc thậm chí là chiến đấu giành quyền tồn tại, chắc chắn Samsung phải có "công thức bí mật" tạo nên sự thành công của mình.

Trong bài viết này tôi không có tham vọng đi phân tích nguyên nhân về sự thành công của Samsung mà sẽ chỉ đơn thuần kể cho các bạn 3 câu chuyện nhỏ về Samsung. Những câu chuyện mà không phải ai cũng biết về 1 công ty đã và đang dần dần từng bước tiến lên ngôi vị thống lĩnh ngành hàng điện tử gia dụng trên quy mô toàn cầu.

Câu chuyện 1: Bài diễn văn 8500 trang và 2000 hạt giống giá 100 triệu USD

Hiện tại Samsung là 1 trong những tập đoàn tư nhân lớn và lâu đời nhất Hàn Quốc, tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu của Samsung chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và đóng góp khoảng 17% GDP cho Nam Hàn, nổi tiếng với 3 ngành kinh doanh chính là Điện máy, Hóa chất và Xây Dựng. Ảnh hưởng của Samsung ở xã hội Hàn Quốc lớn tới mức tập đoàn này gần như trở thành 1 quyền lực thứ 2 bên cạnh chính phủ. Năm 2008 khi chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung bị cáo buộc gian lận thuế và bị tuyên án 3 năm tù giam cho hưởng án treo, chính tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng Bak lúc bấy giờ đã đặt cược sinh mạng chính trị của mình khi ra lệnh ân xá cho ông này gây nên 1 làn sóng phản đối khá ầm ĩ trong xã hội nước này.

Thành lập năm 1938 với khởi nguồn là 1 công ty thương mại chuyên kinh doanh bột gạo và len... cái tên Samsung có phiên âm Hán Việt là "Tam Tinh" có nghĩa là "Ba ngôi sao". Đến những năm thập niên 60, Samsung mới bước vào ngành hàng điện tử. Đến mãi tận đầu những năm 90, các sản phẩm của Samsung hầu như chỉ có ý nghĩa tiêu dùng trong nước vì khi xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ, sản phẩm của Samsung thường "lép vế" vì chất lượng thấp dù giá thành rẻ mạt. Cũng giống như các sản phẩm Made in China bây giờ, Made by Samsung sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Hàn Quốc sau chiến tranh Nam-Bắc Hàn để sản xuất hàng loạt trong khi chất lượng sản phẩm thì phần nào bị "thả nổi".

Năm 1987, chủ tịch sáng lập Samsung qua đời, 2 tuần sau đó Lee Kun Hee, con trai thứ 3 của ông này tiếp quản đế chế Samsung. Đứng trước 1 Samsung đang khá trì trệ của những năm 80, Lee Kun Hee quyết định bắt đầu chiến dịch thay đổi cách làm việc của Samsung bằng cách... không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, nhất định không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun Hee muốn buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó. Dưới sự lãnh đạo của Lee Kun Hee, giá trị vốn hóa của Samsung tăng gấp 2,5 lần sau 6 năm từ 1988-1993. Ai cũng nghĩ mọi chuyện thế là đâu vào đấy và Lee đã hài lòng.

Năm 1993, Lee Kun Hee mang theo bộ sậu lãnh đạo cao cấp của Samsung đi tới Mỹ và các nước châu Âu để "mở mắt" cho cấp dưới của mình về sức cạnh tranh yếu kém của các sản phẩm Samsung trên thị trường quốc tế. 

Lee cho rằng chứng kiến sự èo uột của Samsung tại thị trường nước ngoài sẽ thức tỉnh đội ngũ lãnh đạo của mình. Tới đâu đoàn thăm quan cũng gặp cảnh sản phẩm của Sony, Panasonic hãnh diện trưng lên tủ kính còn đồ của Samsung thì bị dúi vào chỗ hứng bụi ở góc khuất của cửa hàng. 

Lúc ấy Lee mới hỏi bộ sậu xung quanh: "Tôi muốn năm 2000 Samsung trở thành 1 công ty tầm cỡ quốc tế, với tốc độ tăng trưởng như thế này, liệu chúng ta có thể đạt tới vị trí đó vào năm 2000 hay không? Câu trả lời : Không".

Đối diện với sự giận dữ của chủ tịch tập đoàn, những lãnh đạo cấp cao của Samsung không biết làm gì ngoài gãi đầu gãi tai, đối với tư duy của những người đã quen tâm lý thỏa mãn, tăng trưởng 2,5 lần trong vòng 6 năm đã là 1 con số trong mơ. 

Đến tháng 6/1993, khi đoàn thị sát tới Frankfurt, Đức. Lee Kun Hee nhận được bản báo cáo từ 1 cố vấn người Nhật tại Trung Tâm Thiết Kế Samsung. Bản báo cáo phơi bày những thực tại đáng buồn như việc cả 1 văn phòng với mấy trăm con người hoạt động hết sức uể oải. 

Thậm chí cả một dây chuyền kiểm tra sản phẩm rất đắt tiền nằm phủ bụi mất mấy tuần chỉ vì hỏng... ổ cắm điện mà cũng không ai thèm đụng tay.

Made by Samsung và những chuyện chưa bao giờ kể 2
Đã có lúc ở Samsung nhân viên ì trệ tới mức chả buồn vận hành
cả 1 dây chuyền đắt tiền chỉ vì hỏng... ổ cắm.

Phẫn nộ với sự thờ ơ của các nhân viên dưới quyền, Lee triệu tập 1 cuộc họp khẩn cấp với hàng trăm lãnh đạo cao cấp của Samsung tại ngay Frankfurt. Cuộc họp kéo dài... 3 ngày về sau này được nhắc tới với cái tên "Tuyên ngôn Frankfurt 1993". Một trong những câu nói trở thành bất hủ của Lee trong "Tuyên ngôn Frankfurt" là: "Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con". Thúc giục nhân viên dưới quyền tự "dịch kinh tẩy tủy", "Nếu đến 1994 Samsung không thể sản xuất được những chiếc điện thoại đủ sức cạnh tranh với đồ của Motorola thì Samsung sẽ tự đặt mình ra ngoài ngành công nghiệp điện thoại".

Nội dung của "Tuyên ngôn Frankfurt" được cô đọng lại thành "Chính sách quản lý mới" của Samsung và trình bày thành 1 cuốn sách 200 trang, phát đến tận tay cho từng công nhân. 1 quyển phụ lục riêng để giải nghĩa các khái niệm trong "Chính sách quản lý mới" được phát hành sau đó. Thậm chí những công nhận đọc viết không thông thạo còn được nhận 1 phiên bản vẽ theo phong cách... truyện tranh nhằm diễn giải dễ hiểu các gạch đầu dòng quan trọng của chính sách mới.

Kể từ đó, "Chính sách quản lý mới" được coi như thánh kinh của Samsung, thậm chí cả căn phòng khách sạn nơi diễn ra cuộc họp năm 1993 cũng được Lee cho "bốc" về tổng hành dinh của Samsung ở Hàn Quốc và tái tạo nguyên bản để làm nơi "thờ phụng", tồn tại như 1 vật chứng nhắc nhở nhân viên Samsung không bao giờ tự thỏa mãn và luôn khát khao hướng đến chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng ở đó, sau "Tuyên ngôn Frankfurt", Lee dành 2 tháng tiếp theo đi khắp các chi nhánh của Samsung trên thế giới, từ London đến Osaka để trực tiếp truyền đạt khát vọng thay đổi của mình đến từng lãnh đạo dưới quyền. 350 giờ thuyết giảng của Lee trong 2 tháng ấy sau khi được ghi chép lại chiếm hết 8500 trang giấy.

Trong những năm sau "Tuyên ngôn Frankfurt", Samsung trở thành 1 trường đại học khổng lồ. "Trường dạy CEO Samsung" ra đời tháng 9/1993, 3 tháng sau "Tuyên ngôn Frankfurt" đón 850 học viên là tất cả số quản lý cấp cao của Samsung tại thời điểm đó đến đào tạo trong 6 tháng, 3 tháng tại chỗ và 3 tháng ở nước ngoài. Khi các học viên thực tập ở nước ngoài Lee cấm họ không được di chuyển bằng máy bay mà phải sử dụng các phương tiện đường bộ như ô tô, tàu, bus để cảm nhận rõ ràng hơn văn hóa nước sở tại.

Made by Samsung và những chuyện chưa bao giờ kể 3

Trong 5 năm từ 1994 đến 1999 mỗi năm Samsung chọn ra 400 người trẻ tuổi có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, nhét vào tay họ 1 nắm tiền và tung đội ngũ này ra nước ngoài trong 1 năm, mặc cho họ đi đâu, làm gì thì tùy. Lee hi vọng đội ngũ hạt giống này có thể trở về với hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường bản địa mà họ tới "nằm vùng". Sau khi trở về từ nước ngoài, đội ngũ hạt giống này sẽ trở thành chủ lực cho chính sách "tập đoàn toàn cầu, thấu hiểu địa phương" của Samsung. Trong 5 năm từ 1994 đến 1999 chỉ riêng chương trình gieo giống của Samsung ước tính đốt hết 100 triệu USD để đào tạo 2000 hạt nhân chủ chốt cho kế hoạch đánh chiếm thị trường thế giới của mình.

Đến tận bây giờ Trung tâm phát triển nhân lực của Samsung đóng ở Hàn Quốc vẫn tiếp nhận khoảng 50 ngàn học viên mỗi năm. Công cuộc "luyện quân" của Samsung kéo dài suốt hơn 20 năm đến bây giờ vẫn không hề có dấu hiệu "lão suy".

Câu chuyện thứ 2: "7 đến 4" và 5%

Để hiểu hơn về câu chuyện này, hãy quay trở lại 1 chút vào thời điểm cuối những năm 1960 khi Lee Byung-Chul người sáng lập Samsung, cha của Lee Kun Hee tìm kiếm người kế vị mình trong số 3 người con trai. Người Hàn Quốc vốn rất kiêng kỵ việc "phế trưởng lập thứ" thấy bị sốc khi Byung-Chul sa thải 2 người con trai lớn đang làm việc tại Samsung để đảm bảo Lee Kun Hee có thể danh chính ngôn thuận bước lên ngai vàng mà không sợ bị 2 anh tranh giành quyền lực sau khi cha mất. Là con trai út, Lee Kun Hee sở hữu 1 tính cách khá trầm lặng nhưng lại vô cùng quyết liệt.

Có lẽ chính vì sự quyết liệt ấy mà khi Lee Kun Hee tuyên bố mình sẽ đổi giờ làm việc của Samsung sang khung 7 h sáng đến 4h chiều, không 1 ai trong số hơn 50 ngàn nhân viên của Samsung năm 1993 dám cãi lời chủ tịch. Trong khi giờ làm việc của người Hàn Quốc bắt đầu lúc 9h sáng và kết thúc lúc 6h chiều, Lee Kun Hee yêu cầu tất cả nhân viên của mình rời nhiệm sở lúc 4h chiều để giành thời gian cho các hoạt động xã hội cũng như tham gia những khóa đào tạo ngoài giờ của tập đoàn. Sau 4h chiều, Lee Kun Hee thường tự mình gọi điện đến các bộ phận của Samsung một cách ngẫu nhiên, bất kỳ ai trả lời điện thoại sau 4h chiều đều bị quở mắng thậm tệ.

Made by Samsung và những chuyện chưa bao giờ kể 4
Chính sách thay đổi giờ làm tại Samsung gây ảnh hưởng tới 1 bộ phận lớn công nhân viên.
Nhưng không ai dám có nửa lời than vãn.

Cũng có lẽ vì tính cách quyết liệt đó, khi Lee ra quyết định đưa ra các chính sách đào tạo của mình, ông đã dự tính sẵn "5-10% nhân sự không thể thay đổi sẽ phải ra đi, 25-30% thấy sự thay đổi khó khăn sẽ được giao ít trách nhiệm hơn (giáng chức), chỉ 5-10% quản lý "cải tạo tốt" mới trở thành hạt nhân của chế độ mới". Kết quả là trong suốt những năm cuối thập niên 90, không 1 công ty nào trên thế giới có tốc độ thay đổi nhân sự ở các vị trí lãnh đạo cao cấp nhanh như Samsung.

Dù cha của Lee có chọn con út làm người kế vị vì tính cách quyết liệt của ông hay không thì chúng ta cũng phải thừa nhận 1 điều rằng đây là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Doanh số của Samsung đã tăng trưởng 51 lần từ khi Lee lên nắm quyền năm 1987.

Câu chuyện thứ 3: "Lửa thiêu Bác Vọng"

Năm 1988, Samsung sản xuất ra mẫu điện thoại đầu tiên của mình: SH-100. Sau gần 20 năm bị Nokia "đè đầu cưỡi cổ", Samsung giờ đây đã là tân vương của làng sản xuất điện thoại toàn cầu với các sản phẩm smartphone thuộc dòng Galaxy S và Galaxy Note được đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1991, Samsung bắt đầu sản xuất tấm nền LCD để bán cho các đối tác. Năm 2013, ti vi LCD thương hiệu Samsung đang là bá chủ thị trường.

Năm 1994, Samsung bắt đầu sản xuất chip nhớ flash. Năm 2013, sản lượng chip nhớ flash và DRAM của Samsung gần bằng tất cả các hãng còn lại cộng vào.

Tháp Petronas ở Malaisia, tháp Taipei 101 Đài Loan, tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai, 3 trong số 10 công trình cao và ấn tượng nhất thế giới đều có chung 1 nhà thầu chính: Samsung.

Made by Samsung và những chuyện chưa bao giờ kể 5
3 trong số 10 tòa tháp nằm trong danh sách này do Samsung làm thầu chính.

Tất cả những thành công ấy không đến trong ngày 1 ngày 2 sau "Tuyên ngôn Frankfurt". Ngay cả khi đã áp dụng những biện pháp huấn luyện cực kỳ quyết liệt, Samsung vẫn chưa thể thực sự loại bỏ toàn bộ "tàn dư" của lối làm việc cũ. 

Tháng 11/1993, khi Samsung cho ra đời mẫu SH-700, Lee-Kun-Hee đã rất tự hào đem một số máy đi làm quà tặng năm mới. Khi Lee biết rằng 1 số máy mình tặng bị hỏng khi vừa ra khỏi hộp, ông yêu cầu nhân viên dưới quyền tập trung tất cả 150 ngàn máy SH-700 trong kho thành 1 đống, triệu tập hơn 2000 nhân viên Samsung đến và đốt tất cả đống sản phẩm lỗi. Khi lửa tắt, máy ủi được điều đến cày xới tan nát phần còn lại. "Nếu các anh tiếp tục làm ra những sản phẩm chất lượng kém, tôi sẽ quay lại và làm y như vừa nãy". 

Tháng 5/2012, 3 tuần trước khi Galaxy S3 lên kệ, có người phàn nàn rằng chất lượng lớp sơn ở sản phẩm sắp bán không đẹp được như sản phẩm mẫu. Sau khi điều tra rằng lời phàn nàn này là đúng sự thực "phần vân xước không được mịn như hàng mẫu", 100 ngàn ốp lưng Galaxy S3 đang ở trong kho và cả hàng chờ xuất ở sân bay bị lôi ra tiêu hủy và thay thế.

Thay cho lời kết

Dù yêu hay ghét hoặc thậm chí là thờ ơ với Samsung, chúng ta không thể phủ nhận rằng sự vươn lên của Samsung từ 1 nhà sản xuất "hạng hai" lên thành thế lực quan trọng nhất trong ngành công nghiệp điện thoại toàn cầu là 1 kì tích. Dù kì tích ấy bắt nguồn từ sự nghiêm khắc trong khâu quản lý chất lượng, từ những đợt "luyện quân" cật lực hay chỉ đơn giản là cách chọn điểm rơi thị trường đúng đắn thì câu chuyện về 1 Samsung không sợ thay đổi vẫn là một trong những tiết mục "truyện đọc đêm khuya" ưa thích của tôi.

Made by Samsung và những chuyện chưa bao giờ kể 6


Với những gì Samsung thể hiện ở Galaxy S4, tôi tin tưởng rằng con đường củng cố ngôi vô địch của Samsung vẫn chưa dừng lại tại đây. Trong khi Apple đang xoay sở tìm cách thoát ra khỏi lối mòn, Nokia vẫn đang bếp bênh bên bờ tụt hạng, BlackBerry và Sony, HTC cùng đang nắm tay nhau tụt dốc, hiện tại Samsung đang là công ty thú vị nhất trong số các nhà sản xuất smartphone. Thực sự hi vọng tôi có thể trở lại chủ đề Samsung trong 1 ngày gần đây.
Theo GenK/Tri Thức Trẻ

Victoria Beckham là doanh nhân thành công nhất nước Anh

Hãng thời trang của cựu thành viên Spice Girls đạt doanh thu hơn 30 triệu bảng (48,3 triệu USD) năm ngoái, tăng 30 lần so với 5 năm trước.

Victoria Beckham đã đứng đầu danh sách 100 doanh nhân thành công nhất nước Anh năm 2014, do tạp chí kinh tế Management Today bình chọn. Các tiêu chí xếp hạng gồm tăng trưởng doanh thu, số việc làm tạo ra trong 5 năm gần đây và tài sản cá nhân.

"Chính sự nhạy bén trong kinh doanh đã giúp cô ấy đứng vị trí đầu tiên", Philip Beresford - tác giả danh sách này cho biết trên Telegraph. Số liệu của bảng xếp hạng được lấy từ Companies House.
Victoria Beckham được đánh giá là doanh nhân tài năng. Ảnh: Rex Features
Từ khi mở cửa hàng đầu tiên rộng 550 m2 tại Mayfair (London, Anh), doanh thu chuỗi thời trang của bà Becks đã tăng từ một triệu bảng lên 30 triệu bảng trong 5 năm qua. Số nhân viên cũng tăng từ 3 lên 100 người.
Victoria Beckham hiện có tài sản trị giá 210 triệu bảng và được đánh giá là "doanh nhân cực kỳ tài năng trong làng thời trang", Management Today kết luận.

"Cô ấy có một doanh nghiệp thực sự, tài năng thiết kế và độ nhạy bén cần thiết. Victoria Beckham có lợi thế là người nổi tiếng từ trước và đã gây dựng được công ty dựa trên điều đó. Cô ấy xứng đáng được ca ngợi", Andrew Saunders - Phó tổng biên tập tạp chí này cho biết.

Victoria Beckham sinh ra tại Harlow (Essex, Anh) và gia nhập nhóm nhạc pop nữ Spice Girls giữa thập niên 90. Năm 1999, cô kết hôn với cầu thủ nổi tiếng của Anh - David Beckham. Tổng tài sản của cặp đôi đình đám này hiện vào khoảng 380 triệu bảng.

Năm nay, 100 doanh nhân trong danh sách của Management Today đã tạo ra thêm 61.000 việc làm, nâng tổng số nhân viên lên hơn 158.000 người. So với danh sách năm 2011, doanh thu tổng tăng 16,1 tỷ bảng lên 30,2 tỷ bảng.
Theo Vnexpress

Sự khác biệt của những người thành công

Người thành công thích đọc sách hơn là xem TV, thích nói về ý tưởng hơn buôn chuyện linh tinh và không chỉ trích người khác khi sai sót xảy ra.
Dave Kerpen là nhà sáng lập kiêm CEO hãng phần mềm Likeable Local. Anh cũng là tác giả nhiều cuốn sách bán chạy trên New York Times. Trên LinkedIn, Kerpen đã chia sẻ về những điểm tạo nên sự khác biệt cho những người thành công.

Vài tuần trước, tôi nhận được một tấm bưu thiếp từ Andy Bailey - CEO của Petra Coach, cũng là thành viên Hiệp hội Các nhà khởi nghiệp. Tôi chưa bao giờ gặp ông ấy, nhưng Bailey và tấm bưu thiếp ấy đã có ảnh hưởng rất lớn với tôi. Nó củng cố thêm những giá trị mà tôi tin tưởng và nhắc tôi nhớ những thái độ và thói quen cơ bản để thành công. Dưới đây là những sự khác biệt giữa người thành công và không thành công mà Andy Bailey đã viết trên tấm bưu thiếp đó.

1. Nắm lấy thay đổi - Sợ thay đổi
 Dave Kerpen là CEO kiêm nhà sáng lập Likeable Local. Ảnh: Newsday
Thay đổi là một trong số những việc khó thực hiện nhất của con người. Khi cuộc sống ngày càng vội vã và biến động, còn công nghệ thì phát triển nhanh hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải nắm lấy những gì đang tới và tìm cách thích nghi, thay vì sợ hãi, chối bỏ hay trốn tránh nó.

2. Muốn người khác thành công - Bí mật hy vọng họ thất bại

Khi bạn ở trong một tổ chức nào đó, muốn đạt thành tích chung, tất cả mọi người đều phải thành công. Hãy hy vọng đồng nghiệp của mình hoàn thành mục tiêu  và phát triển. Nếu bạn muốn họ thất bại thì còn làm việc với họ làm gì?

3. Tỏ ra vui vẻ - Tức giận

Trong cả công việc lẫn cuộc sống, mọi thứ sẽ luôn luôn tươi sáng hơn nhiều nếu bạn hạnh phúc và truyền niềm vui ấy cho những người khác. Khi con người vui vẻ, họ sẽ có xu hướng tập trung và làm việc tốt hơn. Còn nếu một người tức giận, những người xung quanh sẽ cảm thấy tâm trạng tồi tệ theo, dẫn đến thiếu động lực và khó thành công.

4. Tự nhận trách nhiệm - Đổ lỗi cho người khác

Là một người lãnh đạo và doanh nhân thành công nghĩa là luôn phải chịu trách nhiệm cho những thất bại của mình. Đổ lỗi cho người khác không giải quyết được gì. Nó chỉ khiến những người đó xuống tinh thần và chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả.

5. Bàn bạc ý tưởng - Buôn chuyện linh tinh

Nói chuyện phiếm sẽ chẳng đưa bạn đi đến đâu cả. Phần lớn thời gian những câu chuyện đó chẳng phải sự thật và hầu hết đều khá tiêu cực. Thay vì buôn chuyện về người khác, những người thành công thường bàn luận những ý tưởng của họ. Chia sẻ với người khác sẽ làm cho ý tưởng của bạn ngày càng hoàn thiện.

6. Chia sẻ thông tin - Giấu nhẹm mọi thứ

Chúng ta đã từng học ở mẫu giáo rằng chia sẻ là quan tâm đến người khác. Trên các phương tiện thông tin xã hội, trong công việc và cuộc sống, chia sẻ chính là việc cần làm để thành công. Khi bạn chia sẻ dữ liệu và thông tin với người khác, bạn có thể lôi kéo họ vào làm cùng để hoàn thành công việc. Còn nếu chỉ thích giữ khư khư, bạn đúng là người ích kỷ và thiển cận
.
7. Khen ngợi người khác - Cướp công của họ

Làm việc theo nhóm là chìa khóa dẫn tới thành công. Nhưng hãy nhớ, đừng giành công từ những ý tưởng của họ. Hãy để mọi người có thành tựu riêng. Việc đó sẽ giúp họ có động lực làm việc trong dài hạn. Họ càng giỏi giang thì bạn cũng càng rạng danh thôi.

8. Đặt mục tiêu và kế hoạch - Chẳng làm gì cả

Bạn sẽ không thể thành công nếu không biết đích đến. Hãy lập kế hoạch cho 10 năm, 3 năm tới, chiến lược hàng năm và danh sách mục tiêu hàng ngày. Nên nhớ, hãy viết tất cả chúng ra giấy!

9. Luôn luôn ghi chú - Chẳng ghi bao giờ

Hãy luôn mang sổ để ghi lại những ý tưởng hay suy nghĩ vụt qua trong đầu bạn. Có thể sau này chúng sẽ giúp bạn làm nên chuyện đấy. Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng điện thoại nếu không có sổ giấy.

10. Đọc sách - Xem TV

Đọc tài liệu hàng ngày sẽ cung cấp kiến thức cho bạn trên nhiều lĩnh vực, dù là blog, báo chí hay sách vở. Trái lại, xem TV có thể là một cách giải trí tốt, nhưng bạn sẽ hiếm khi lấy được thông tin có thể giúp mình thành công hơn.

11. Luôn luôn học hỏi - Làm việc chỉ chờ ăn may

Không ngừng học hỏi và hoàn thiện là cách duy nhất để phát triển. Bạn có thể tiến một bậc trong cuộc đua và trở nên linh hoạt hơn nếu bạn biết nhiều hơn. Còn nếu chỉ làm việc dò dẫm, không chịu trang bị đủ kiến thức và kỹ năng trước khi bắt tay vào, bạn có thể bỏ qua rất nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển.

12. Khen ngợi người khác - Chỉ trích họ

Khen ngợi người khác là cách tốt để cho người ấy biết bạn quan tâm đến họ. Một lời khen sẽ giúp họ phấn chấn và nhiệt huyết hơn. Nó cũng khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Còn chỉ trích sẽ chỉ khiến mọi việc bi quan và chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả.

13. Tha thứ - Hận thù

Tất cả mọi người đều có thể mắc lỗi. Điều này rất bình thường. Cách duy nhất để vượt qua những lỗi lầm là tha thứ. Sống mãi trong giận dữ chỉ làm cho mọi thứ trở nên tệ hơn mà thôi.

14. Có ước muốn - Chẳng biết mình muốn gì

Hãy lên danh sách bạn muốn trở thành người thế nào trong tương lai, như chính trị gia, diễn giả, CEO một công ty đại chúng hay chỉ đơn giản là một người cha và người chồng tốt. Những người không thành công chẳng có ý niệm gì về việc họ sẽ trở thành ai trong tương lai. Nếu không biết điều bạn muốn, sao bạn có thể thành công?

15. Biết cảm ơn người khác - Không coi trọng họ

Biết ơn người khác đã giúp tôi thành công và hạnh phúc hơn mỗi ngày. Hãy nhớ cảm ơn tất cả những người bạn đã từng nhờ vả và trân trọng thế giới xung quanh. Đó là chìa khóa dẫn đến thành công trong cả công việc và cuộc sống.
Vnexpress

Chuyện làm ăn ở Việt Nam trong mắt... Đại sứ quán Hà Lan

Ở Việt Nam, “yes” có thể không có nghĩa là “vâng”, mà có thể là “vâng, tôi hiểu những gì ông/bà nói”...

Đại sứ quán Hà Lan đưa ra một tài liệu cung cấp những lời khuyên khá thú vị cho các doanh nghiệp nước này tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam.
Tài liệu này nhấn mạnh, ở Việt Nam, xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động làm ăn. “Một đối tác bản địa đáng tin cậy có thể giúp đẩy nhanh đáng kể công tác chuẩn bị”, tài liệu viết.

Đại sứ quán này cũng nêu một loạt đặc điểm về nghi thức xã giao ở Việt Nam. Trong đó, cơ quan này khuyến nghị các doanh nhân Hà Lan nên chuẩn bị sẵn sàng danh thiếp vì ở Việt Nam, danh thiếp được coi là quan trọng và sử dụng rộng rãi.

Ngoài ra, doanh nghiệp Hà Lan tới Việt Nam tìm cơ hội làm ăn nên tìm phiên dịch viên đáng tin cậy, bởi tiếng Anh là ngôn ngữ không được sử dụng rộng rãi ở đây.

Tài liệu trên thậm chí còn đề cập tới một tình huống khác biệt văn hóa: “Đừng ngạc nhiên nếu người Việt Nam mỉm cười hoặc cười lớn, ngay cả khi bạn cảm thấy tình huống không có gì đáng cười”; hay “hãy gọi người Việt Nam bằng từ xuất hiện ở phần cuối cùng trong họ tên đầy đủ của họ. Chẳng hạn, với một người tên là Nguyễn Văn Hải, hãy gọi ông ấy là Hải”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hà Lan được Đại sứ quán nước này tại Việt Nam khuyên “nên tránh xung đột, gây mất mặt, và kiên nhẫn. Ở Việt Nam, những chuyện rất bình thường không tiến triển với tốc độ giống như ở phương Tây”.

Theo tài liệu này, nếu cảm thấy đã đạt được sự nhất trí nào đó với phía đối tác Việt Nam, doanh nghiệp Hà Lan cần ngay lập tức đưa ra bước tiếp theo dưới dạng viết. Tài liệu này nói rằng, ở Việt Nam, “yes” có thể không có nghĩa là “vâng”, mà có thể là “vâng, tôi hiểu những gì ông/bà nói”.

Tài liệu trên cũng chỉ ra một số thách thức đối với doanh nghiệp nước ngoài nói riêng, và doanh nghiệp Hà Lan nói riêng, khi tới làm ăn ở Việt Nam, trong đó có vấn đề tham nhũng. “Tham nhũng có thể đặt ra một rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hà Lan cung cấp tư vấn giúp các doanh nghiệp tránh được tham nhũng và giảm các rủi ro trong làm ăn ở Việt Nam”, tài liệu viết.

Vấn đề này cũng được bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, đề cập đến trong buổi tiếp xúc báo chí hôm 24/10 tại văn phòng Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội.

“Chúng tôi thường xuyên cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Hà Lan về các cơ hội kinh doanh cũng như các thách thức ở Việt Nam, trong đó tham nhũng là một vấn đề lớn. Tôi nghĩ vấn đề này không chỉ không có lợi cho các công ty của chúng tôi, mà còn không có lợi cho người dân Việt Nam”, bà Trooster, người vừa nhậm chức Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cách đây 2 tháng, nói.

Bà Trooster cũng cho rằng, ngoài tham nhũng, tệ quan liêu cũng là một trở ngại đối với các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam.

Những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết năm 2013, Hà Lan xếp thứ 11 trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 6,29 tỷ USD và 192 dự án.

Ngoài ra, Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu sau Đức và Anh. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hà Lan đạt 3,615 tỷ USD. 

Theo Vneconomy

Monday, October 27, 2014

Nghe du khách Mỹ nói thật về VN 10 năm trước

Khi sang đến Hà Nội, tôi lại gặp vẻ mặt lạnh lùng. Trước hết, lối vào nhà hành chính của sân bay đóng chặt, khiến chúng tôi phải đứng đợi ngoài mưa một lát.

Lời người dịch: Năm 2006, Terry Borton, TS giáo dục học (Đại học Harvard), nguyên Tổng biên tập Tạp chí The weekly Reader, lần đầu tiên tới Việt Nam và đã ghi lại những ấn tượng mới mẻ*. Người dịch được em gái ông, nhà văn Lady Borton chuyển cho bài viết này.

Sau gần 10 năm, hẳn rằng có những thực tế được đề cập trong bài viết ít nhiều không còn cập nhật. Song về tổng thể, đến nay, cái nhìn khách quan của một du khách phương xa thiết nghĩ vẫn sẽ hữu ích, đáng suy ngẫm với chúng ta. Từ lý do đó, người dịch lựa chọn chuyển ngữ bài viết, để chuyển đến độc giả VN như một góc nhìn tham chiếu.

Là một công dân Mỹ tới Việt Nam lần đầu, tôi đã từ Hà Nội đi thăm ngay các vùng quê miền Bắc. Đến đâu cũng vậy, cả thành thị lẫn nông thôn, tôi đều được đón tiếp nồng nhiệt. Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp miền quê, bởi người dân lao động cần cù, bởi tốc độ tăng trưởng chóng mặt của đất nước này. Đâu đâu tôi cũng gặp những nụ cười nồng hậu, những tấm lòng rộng mở.

Nhưng tôi xin được mạn phép bày tỏ với những người bạn mới ở Việt Nam của tôi, và với quý bạn đọc rằng, đối với các du khách, bộ mặt đang hướng ngoại Việt Nam lại khác xa với những gì mà người dân trong nước bày tỏ.

Vì vậy xin được mạo muội giải thích và đề xuất một số biện pháp làm cho những ấn tượng đầu tiên về Việt Nam tương thích với những gì tôi nghĩ thực sự là cốt cách của đất nước này. (Và, bởi vì chưa từng nhìn đất nước mình theo góc nhìn của một du khách lần đầu tới Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng những gì mình định góp ý với Việt Nam ở đây cũng có ích cho chính nước Mỹ).
***
Tiếp xúc đầu tiên của tôi với giới chức Việt Nam là tại một sứ quán, nơi tôi đến làm thị thực nhập cảnh. Phòng chờ hoàn toàn trống không, ngoại trừ một tấm bản đồ Việt Nam dùng để trang hoàng. Không có bất kỳ tranh ảnh, sách báo nào được trưng bày. Lặng ngắt, không nhạc điệu, bài ca.

Làm sao đây để sứ quán Việt Nam lôi cuốn được mối quan tâm của du khách về đất nước, con người, về nền văn hoá Việt, mà không gây tốn kém? Nên chăng, treo lên tường những tấm ảnh đẹp của những phóng viên ảnh rực rỡ tài năng của Việt Nam? Bày lên bàn những tập sách mỏng quảng bá về du lịch? Làm đầy thinh không bằng tiếng đàn bầu réo rắt phát đi từ máy ghi âm? Tóm lại, phòng đợi ở sứ quán cần trở thành một "cổng chào" thực thụ của Việt Nam.

(Còn nếu "xông xênh" hơn về kinh phí, có lẽ nên kiến tạo một phòng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoặc một góc bày đồ cổ như bảo tàng qui mô nhỏ. Thậm chí, có thể thuê hẳn một chuyên gia Việt Nam về kiến trúc nội thất, để làm cho mọi thứ thực sự "bắt mắt").
***
 Sân bay Nội Bài, nơi đón tiếp rất nhiều du khách quốc tế. Ảnh: Ngọc Hà

Các nhân viên phòng lãnh sự hẳn là rất thạo việc, vì họ hoàn thành thủ tục cấp thị thực chỉ mất có một ngày. Nhưng rõ ràng đã không có ai nhắc nhở rằng, còn một phần chức trách nữa của họ, đó chính là làm sứ giả chào đón du khách của Việt Nam. Trông có vẻ ảm đạm và chán chường, các cán bộ sứ quán đã chưa bày tỏ được nụ cười rực sáng và tiếng chào vồn vã đậm chất Việt Nam. 

 
Ở bên Mỹ, thành phố nào cũng có một siêu thị gọi là Wal-Mart. Công ty khổng lồ này còn nhiều điều để phê phán, chê bai. Tuy nhiên, hễ ai sang Hoa Kỳ và bước chân vào một siêu thị Wal-Mart, sẽ gặp ngay một nhân viên  "tiếp tân" tới chào mừng. Trên lưng áo đồng phục màu xanh của người tiếp tân Wal-Mart có dòng chữ lớn: "Tôi có thể giúp ích gì cho bạn?" (How May I Help You?). Nếu bạn cần đến họ, họ sẽ chỉ dẫn ngay, vô cùng ân cần. Các nhân viên này không nhất thiết đã là người thân thiện, bản tính ưa giúp đỡ, chẳng qua họ được huấn luyện kỹ càng để bày tỏ vẻ mặt hiếu khách, nồng nhiệt cho Wal-Mart.
***
Khi sang đến Hà Nội, tôi lại gặp vẻ mặt lạnh lùng. Trước hết, lối vào nhà hành chính của sân bay đóng chặt, khiến chúng tôi phải đứng đợi ngoài mưa một lát. Rồi một công an cửa khẩu mở cửa, nhưng dĩ nhiên, không với vẻ mặt của một  "tiếp tân". Phòng làm thủ tục nhập cảnh cũng khá là khô khan và trơ trụi, với một số công an cửa khẩu đứng ở các góc. Những cảnh tượng thế này diễn ra ở khá nhiều nơi trên thế giới. Có thể đây là liệu pháp tâm lý làm cho những kẻ "không được hoan nghênh" phải tự bộc lộ mình. Nhưng nó cũng khiến mọi người phải cảm thấy ớn lạnh.

Những tờ khai nhập cảnh không được phát khi chúng tôi còn ở trên máy bay, và không có ai tại cửa khẩu làm chức trách chỉ dẫn. Hành khách tự tìm đến các bàn bày đầy những tờ khai. Nhưng chúng đều được ghi bằng tiếng Việt, thứ tiếng tôi không biết đọc. Tôi lọ mọ từ bàn nọ sang bàn kia, lần mò đống tờ khai, nhưng than ôi, tất cả chúng đều được viết bằng tiếng Việt.

Thật may, khi còn ở trên máy bay tôi gặp một thiếu phụ Việt Nam tuyệt vời. Chị lại gần xem tôi làm ăn thế nào, và bắt đầu dịch cho tôi. Rồi chị dịch cho tất cả các hành khách nước ngoài. Nhờ có chị chúng tôi được vào Việt Nam một cách an toàn. Nhưng chúng tôi không mấy phấn khởi về khâu làm thủ tục nhập cảnh.

Giải quyết vấn đề này thì ai cũng biết là vừa dễ, vừa rẻ. In các tờ khai bằng vài thứ tiếng, như các nước khác vẫn làm. Ở đầu trang in thêm "Kính chào quý khách, Welcome, Bienvenue". Và luôn kiểm tra để các tờ khai tiếng Anh luôn có trên các bàn tại nơi làm thủ tục.

Trộm nghĩ, sao không thể có một bóng áo dài tha thướt làm tiếp tân tại phòng đợi nhỉ, với nụ cười Việt say đắm lòng người? Nếu khâu răn đe cần phải có tại cửa khẩu để phát giác các vị khách bất hảo, nên chăng, lồng các khuôn mặt "tiếp tân" vào đây?
***
Đường vào Hà Nội dấy lên trong lòng tôi một nỗi băn khoăn mới. Vì cố ngắm những cánh đồng lúa xanh rì, đan xen những ngôi nhà ba tầng mới xây cất đẹp đẽ, mà không được. Choán lấy tầm mắt tôi là những bảng biển quảng cáo đồ sộ, nghễu ngện đứng sóng đôi cạnh nhau, làm tôi chẳng thể thưởng ngoạn cảnh đồng quê của xứ sở được tới thăm.

Đập vào mắt là vô số sản phẩm ngoài nước được long trọng quảng cáo ở Việt Nam để làm căng hầu bao các công ty quốc tế. Tôi không chống lại đầu tư nước ngoài, vì nó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn so với việc chỉ xoay xở bằng nội lực. Nhưng Việt Nam rất giàu về vốn văn hoá dân tộc và di sản thiên nhiên, và đang phải quyết liệt tranh đấu để bảo vệ các giá trị này. Việc lối vào Hà Nội được che chắn bởi bức trường thành những tấm biển quảng cáo làm tôi tự vấn: liệu Việt Nam có cưng chiều các công ty nước ngoài hơn những đứa con mình? Phần quốc nội của nền kinh tế thể hiện ở đâu?

Rõ ràng không thể cấm đoán, hay tháo dỡ những bảng quảng cáo, bởi chưng ở bên Mỹ chúng cũng đứng đầy hai bên đường cao tốc. Nhưng nên chăng, cân nhắc kỹ về địa điểm và tương quan, sao cho việc quảng cáo phản ảnh được vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Phải chăng nhà nước nên hỗ trợ mạnh hơn việc DN Việt Nam quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Và có thể dùng ngay các bức ảnh sẵn có của Việt Nam Thông tấn xã hay Báo Ảnh Việt Nam để tạo dựng cho người nước ngoài hình ảnh đẹp về đất nước, con người, về tiềm năng nền kinh tế Việt Nam.
Thậm chí Việt Nam có thể dấn những bước đi mạnh dạn hơn. Khi Singapore giành được độc lập, quốc gia này còn nghèo hơn Việt Nam bây giờ. Nhưng quyết định ban đầu của nhà nước này là xây dựng một đại lộ có cảnh quan đẹp chạy từ sân bay về trung tâm đô thị này. Chính phủ Singapore muốn dùng con đường đặc biệt này làm cho mỗi du khách phải choáng ngợp bởi viễn cảnh mà quốc đảo này sẽ đạt tới.

Và quả thực như vậy, khi đến Singapore, điều đầu tiên tôi cảm nhận được chính là cái đại lộ diễm lệ này. Phải chăng Việt Nam cũng nên nghĩ tới một tiếp cận như vậy cho lối vào Thủ đô. Còn về lâu về dài, dự án này cần nhân rộng ra. Vì mỗi lần sang Singapore, tôi lại thấy dải xanh của thành phố được lan toả thêm. Nay quốc đảo này đã trở nên một công viên lớn, đầy bóng mát, với môi trường sinh thái được cải thiện.
***
Tôi nhận thấy khi đã ở Việt Nam, tôi được mời uống trà ở mọi nơi tôi tới, từ mái nhà tranh tới những gian đại hội sang trọng. Đây không giống như "nghi lễ thưởng trà" như ở Mỹ, trái lại, nó rất thân mật. Bạn được đón tiếp vồn vã, và còn được mời uống thêm café hay nước giải khát. Dân tộc nào cũng có thuần phong mỹ tục, nhưng tập quán tiếp khách này của người Việt vẫn thật là độc đáo.

Chẳng phải bởi con người bất cứ đâu cũng thấy rằng "tạo ấn tượng ban đầu" luôn rất quan trọng. Và nếu điều đó quan trọng với mỗi cá nhân, thì hẳn nhiên nó càng quan trọng đối với các quốc gia - đại diện cho hàng triệu cá nhân đó.

Vậy phải chăng đã đến lúc Việt Nam "pha trà đãi khách" ngay từ nơi quan khẩu?

Và phải chăng đã đến lúc thể diện của Việt Nam tại các sứ quán và sân bay lấy lại vẻ tươi tắn cởi mở, để đường đến Hà Nội lại đẹp như ngày nào.

Tác giả:Terry Borton - Người dịch: Lê Đỗ Huy

* Tên gốc bài viết của Terry Borton là "Vietnam: Warm Heart, Cold Official Face? - A Visitor's  First Impressions".
Theo VietNamNet