Wednesday, October 1, 2014

10 bài học từ thất bại khi khởi nghiệp

Theo các thống kê của Bloomberg, đa phần những doanh nhân khởi nghiệp thường gặp thất bại trong những giai đoạn đầu tiên. 

Bên cạnh những tác động nhất định của tình hình kinh tế vĩ mô thì một nguyên nhân khác đến từ việc các doanh nhân trẻ thường phạm phải một số lỗi cơ bản khi khởi nghiệp.
Sau đây là một số bài học kinh nghiệm đã được John Rampton, một cây bút của Forbes, tổng hợp lại từ vô số thất bại của bản thân lẫn các doanh nhân John quen biết.


1. Xác nhận ý tưởng sản phẩm với khách hàng

Nhiều doanh nhân thường thất bại trong việc giới thiệu ý tưởng về sản phẩm đầu tiên với khách hàng. Đó chính là một sai lầm lớn của tôi khi tôi bắt đầu kinh doanh với Just A Five. Không một ai cần những dịch vụ mà công ty tôi đưa ra. Vì thế, tôi đã tốn hàng ngàn đô la làm ra những thứ mà chẳng ai muốn.

Gary Swartz là một ví dụ khác. Ông là người sáng lập ra Intellibank, một công ty mà ông từng miêu tả trên Linkedln là “Dropbox lỗi”. Những nhà đầu tư đã thuyết phục Swartz rằng sản phẩm của ông sẽ tạo được ấn tượng tốt, nhưng ông chưa bao giờ ngừng tìm hiểu về phản hồi của khách hàng.

Người quan trọng nhất mà mọi công ty phải tìm kiếm sự công nhận đối với sản phẩm của họ chính là những khách hàng”, Swartz viết, “Khách hàng quan trọng hơn cả nhà đầu tư, vì đây chính là yếu tố để thúc đẩy nhà đầu tư đồng ý mạo hiểm với ý tưởng của bạn”.

2. Hiểu được tầm quan trọng của những cộng sự


Một doanh nhân giỏi luôn hiểu rằng bản thân không thể làm tất cả mọi thứ. Và thực tế có những công việc nằm ngoài khả năng của người sáng lập. Vì thế, có được một cộng sự hay sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm điều hành là điều rất cần thiết và quan trọng.

Bài học đơn giản ấy tôi đã vất vả có được khi tôi sáng lập công ty thứ hai, Pixloo.com. Đồng sáng lập với tôi khi đó là một nhà phát triển thông minh đầy tham vọng. Anh ấy đã làm việc rất chăm chỉ. Mọi công việc đều suôn sẻ trong suốt 10 tháng. Chúng tôi cho ra mắt sản phẩm và nhận được sự hưởng ứng từ hơn 80.000 khách hàng chỉ sau chưa đầy một tháng.
Sau đó những bất đồng nổi lên. Chúng tôi tranh cãi về đường lối phát triển công ty và về quyết định kêu gọi vốn đầu tư. Anh ấy không đồng ý nhượng bộ. Dù biết rằng không nên để sự bất đồng ý kiến tiếp diễn, nhưng bởi anh ấy sở hữu một nửa công ty, tôi không thể làm gì khác. Cuối cùng, chúng tôi phải bán công ty đi với giá rẻ.

3. Phải luôn kiên trì lấn tới


Hầu hết mọi người đều không hứng thú với những người bán hàng quá “nhiệt tình”. Nhưng những ai muốn thành công trong kinh doanh đều phải cực kỳ kiên trì “tấn công” khách hàng của mình.

Khi bắt đầu kinh doanh, tôi có hai kịch bản để chọn lựa: không có tiền hoặc phải gọi điện và thuyết phục thành công từng khách hàng tiềm năng một. Nếu không có sự thúc đẩy lớn, hầu hết những công ty mới khởi nghiệp sẽ thất bại.

4. Việc gây quỹ sẽ mất nhiều thời gian


Khi khởi nghiệp, các công ty thường tập trung vào việc cung ứng giải pháp cho một vấn đề nào đó của khách hàng, song tài chính vẫn là yếu tố quan trọng để các công ty có thể hiện thực hóa ý tưởng đó. Công ty không thể triển khai kế hoạch hay phát triển nếu không có doanh thu. Mặt khác, xây dựng một công ty cũng đòi hỏi nhiều chi phí.

Quá trình kêu gọi gây quỹ có thể tốn rất nhiều thời gian. Các doanh nhân mới khởi nghiệp cần chấp nhận thực tế là mình sẽ bị từ chối rất nhiều lần cho đến khi tìm được nhà đầu tư phù hợp. Tôi đã từng làm việc với nhiều doanh nhân đã tìm đến hơn 50 nhà đầu tư nhưng vẫn không nhận được kết quả thuận lợi nào.

5. Vấn đề thanh toán không nằm trong dự đoán
 
Khi tôi đưa công ty thứ hai của mình, Pixloo.com, vào hoạt động, tôi đã nghĩ rằng sẽ có khoảng một triệu khách hàng sẵn sàng trả 10 đô la một tháng. Tôi đã lầm. Chỉ có 90 người trả 10 đô hằng tháng. 80.000 khách hàng trong số còn lại không trả tiền.

6. Luôn duy trì một tầm nhìn xa và dài hạn


Hầu hết doanh nhân đều cần đến một mục tiêu dài hạn nếu muốn việc kinh doanh phát triển. Meetro, một trong những cơ sở mạng xã hội đầu tiên làm một ví dụ.

Trong thời gian đầu, công ty này đã khá thành công khi có một số lượng người tham gia nhất định ở Chicago, và sau đó là ở Silicon Valley, Paul Bragiel -  người sáng lập ra Meetro cho biết. Thay vì tiếp tục công việc đang trên đà tiến triển ở Windy City, Meetro chuyển sang San Francisco và nhận được kết cục hoàn toàn khác.

“Chúng tôi đã không còn duy trì được thương hiệu của mình tại địa phương”, Bragiel viết, “Các dịch vụ vẫn hoạt động và vẫn nhận được phản hồi tốt của người dùng, nhưng tốc độ phát triển không còn được nhanh như lúc bắt đầu”.

Để thành công, Meetro đáng lẽ nên giữ tầm nhìn xa cho một mục tiêu lâu dài, phát triển vững chắc ở một khu vực và duy trì nó trước khi thử nghiệm ở một khu vực khác.

7. Đừng huy động quá nhiều tiền


Điều này có vẻ lạ, nhưng nếu có quá nhiều tiền được góp vào sẽ có thể dẫn tới sự thất bại đối với các doanh nghiệp mới bắt đầu.

Đó chính là cái đã dẫn đến thất bại của Ben Yoskovitz cùng công ty mới thành lập Standout Jobs. Ngay từ những ngày đầu, Ben đã huy động được khoảng 1,8 triệu đô la.
Điều nguy hiểm là các sản phẩm này chưa được thử nghiệm một cách toàn diện. Và chính việc huy động được số vốn ban đầu quá lớn đã đưa các doanh nghiệp vào bẫy lầm tưởng về mức độ thu hút của sản phẩm của mình. Điều các doanh nghiệp cần khi đó là phải tỉnh táo để kiểm chứng chất lượng sản phẩm có phù hợp với nhu cầu thị trường hay không.

8. Tạo một sản phẩm “độc nhất vô nhị”


Thế giới kinh doanh luôn hoạt động rất sôi nổi. Các doanh nhân không thể lựa chọn cách chỉ tập trung vào một khu vực nhỏ khách hàng để né tránh sự cạnh tranh. Đồng thời, bạn cũng không nên bắt chước sản phẩm của một doanh nghiệp mới khác.

Theo lời Cap Watkin, một nhà thiết kế ở Etsy, giải thích tại một buổi nói chuyện về Formspring dựa trên kinh nghiệm của ông, khi đó, các nhân viên dành rất nhiều thời gian và chi phí để tạo nên nút “chia sẻ” giống như của Facebook và nút “tweet” của Twitter.
“Chúng tôi bỏ ra hàng tháng để thực hiện chức năng đó, nhưng kết quả nhận lại được là sự thất bại. Các doanh nhân, hãy tạo ra sản phẩm của riêng mình, không phải của người khác”, Watkin khuyên, “Sản phẩm thành công nhất chính là sản phẩm được tạo ra gắn với mục đích của người sử dụng”.

9. Xây dựng mạng lưới phân phối

 
Một doanh nghiệp mới có thể tạo ra được một sản phẩm được cả thế giới hưởng ứng, nhưng nếu công ty không phát triển hệ thống phân phối thì việc kinh doanh sẽ không thể tiếp diễn được lâu. Nói cách khác, hãy mở rộng thị trường trên toàn thế giới.

Công ty nhiếp ảnh Everpix ở những buổi đầu kinh doanh đã phạm phải sai lầm trên. Theo Verge: “Những người sáng lập công ty đã nhận ra sai lầm của họ. Họ dành quá nhiều thời gian nghiên cứu sản phẩm mà không phát triển công ty và mở rộng phân phối”.

10. Tìm nhà đầu tư thích hợp


Tất nhiên doanh nhân nào cũng phải tìm nhà đầu tư cho mình nếu muốn khởi nghiệp thành công, trừ khi anh ấy hoặc cô ấy đã giàu có sẵn. Nhưng phải tìm được người phù hợp. Sẽ rất tuyệt vời nếu ta được làm việc với nhà đầu tư có cùng mục tiêu và triết lý làm việc, cũng như có thể cung cấp sự hỗ trợ, lời khuyên đúng đắn trong kế hoạch xây dựng công ty vững chắc, mở rộng thị trường.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư kia không phù hợp với ta cả về mặt cá nhân lẫn công việc, hoặc không hiểu gì về kinh doanh?

David Levy sáng lập doanh nghiệp Tigerbow nhận được một khoản tiền đầu tư tương đối từ bạn bè và gia đình ở giai đoạn đầu. Song đây lại là những người chưa hề quen với việc đầu tư nên không ước lượng được các thách thức cho một công ty khởi nghiệp. Điều này đã khiến David Levy phải vất vả trong việc xử lý các luồng dư luận trái chiều.
Doanh Nhân Sài Gòn

No comments:

Post a Comment