Wednesday, March 21, 2012

Smartphone đang biến con người thành nô lệ?

Nếu bạn từng xem bộ phim “The Servant” (1963), tạm dịch là “Người giúp việc”, hẳn bạn khó có thể quên được những ý tưởng bất ngờ và thông điệp mà đạo diễn muốn gửi tới người xem. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ giữa một người giúp việc (do Dirk Bogarde đóng) và ông chủ (James Fox đóng).

>> Công nghệ di động thay đổi cuộc sống của nông dân
>> Điện thoại di động đang thành “con quái vật bất trị”
>> Người Ả Rập coi trọng điện thoại hơn… bồn cầu
>> Gần 50% người trưởng thành Mỹ có smartphone
>> 90 ngày không online và điện thoại di động

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Xuyên suốt bộ phim là những toan tính của người giúp việc nhằm khai thác các điểm yếu của ông chủ và câu chuyện kết thúc với sự “đổi vai” đáng kinh ngạc, khi người giúp việc trở thành ông chủ và ông chủ trở thành người giúp việc.

Ngày nay, thông điệp của bộ phim này vẫn có những nét đáng để chúng ta suy ngẫm, khi sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đang làm cho cho mối quan hệ “ảo” giữa con người và điện thoại thông minh (smartphone) có những hình thái biểu hiện mới. Vấn đề đặt ra là liệu con người, liệu chúng ta có trở thành “nô lệ” của smartphone?

Càng tiện thì càng nghiện

Không thể phủ nhận sự tiện ích và “sức mạnh” tiềm ẩn của những “chú dế” thông minh hiện nay. Bên trong một chiếc smartphone nằm gọn trong lòng bàn tay con người là cả thế giới thông tin và tri thức khổng lồ. Chúng giải phóng con người khỏi nhiều công việc hàng ngày, quản lý thông tin cá nhân, giúp tra cứu dữ liệu và thậm chí đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống sinh hoạt của nhiều người.

Smartphone và máy tính bảng cũng cải thiện đáng kể hiệu năng công việc của con người, giúp họ có thể khai thác tối đa khoảng thời gian rảnh rỗi (mà thông thường là bị lãng phí trong trường hợp không có smartphone), như gửi email trong khi xếp hàng thanh toán tại siêu thị hay tự động đặt lịch gửi tin nhắn vào bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, con người có vẻ như đang lệ thuộc quá mức vào smartphone, thậm chí smartphone đang trở thành một thiết bị gây nghiện đối với nhiều người. Doug Wilson, một thanh niên Mỹ, không lúc nào chịu rời chiếc smartphone “thân thiết”. Khi thức dậy vào buổi sáng, điều đầu tiên mà Wilson làm là ngay lập tức túm lấy chiếc iPhone 4 đầu giường để đọc những tin nhắn mới trên Twitter và lướt Facebook. Đối với Wilson, smartphone giúp anh không cảm thấy cô đơn trong một thế giới được kết nối chặt chẽ.

Giống như Wilson, rất nhiều thanh niên khác thừa nhận mình không thể sống mà không có chiếc điện thoại bên cạnh và phong cách sống “bao giờ cũng nối mạng” là tiêu chí số một của họ. Ngày nay người ta đã quen dùng những “thuật ngữ” kiểu như “nghiện máy tính, nghiện điện thoại” hoặc “phụ thuộc vào mạng”, “phụ thuộc vào xe ôtô”… Chàng thanh niên Richard Glover, sinh viên Đại học Austin ở Texas (Mỹ), thú nhận mức độ phụ thuộc vào chiếc điện thoại của anh ta ngang với phụ thuộc vào chiếc ôtô (không xe thì không thể đi đâu, không điện thoại thì… không chịu được).

Với smartphone, anh ta có thể đọc tin tức chính trị được cập nhật liên tục và có thể phản hồi ngay lập tức khi nhận được các tin nhắn. Bud Kleppe, một nhà môi giới bất động sản ở St.Paul, bang Minnesota (Mỹ), nói rằng anh không thể rời xa chiếc BlackBerry của mình. Anh cho biết: “Nó thường xuyên ở trong tay tôi. Nếu không có nó ở bên cạnh, tôi cảm thấy thiếu tự tin”.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Ofcom, cơ quan quản lý viễn thông tại Anh, có tới 60% bạn trẻ độ tuổi 11-19 sử dụng smartphone tự nhận mình là những người “nghiện” smartphone nặng. Đối với tầng lớp người trưởng thành tại “đảo quốc sương mù” thì con số đó là 37%.

Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều câu hỏi nghiêm túc về tác động của những thiết bị thông minh này tới bộ não con người. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, làm quá nhiều việc trong một lúc sẽ làm giảm sức tập trung và khả năng suy nghĩ sáng tạo của con người. Điện thoại thông minh là một trong những công nghệ đang thúc đẩy lối suy nghĩ này, khi mà mọi người liên tục phải bơi trong “biển” thông tin. Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, xuất bản trên Tạp chí Khoa học quốc gia của Mỹ, những người “đa nhiệm”, nghĩa là những người cố gắng xem hai hay nhiều loại phương tiện truyền thông cùng lúc, sẽ dễ dàng bị phân tâm.

“Kiêng” smartphone như thế nào?

Vậy làm thế nào để con người có thể khai thác các tiện ích và sức mạnh kết nối của smartphone mà không trở thành “nô lệ” hay phụ thuộc quá mức vào thiết bị di động này. Một ý tưởng đã được đưa ra là “kiêng smartphone”! Cũng giống như chế độ ăn kiêng thông thường, khi con người phải tuân thủ nghiêm ngặt thực đơn và thói quen ăn uống đã đề ra.

Ý tưởng “kiêng” smartphone cũng vậy, khi người sử dụng smartphone có thể tự đặt ra những nguyên tắc sử dụng mà mình phải tuân theo, như không “đụng chạm” tới smartphone trước bữa sáng hay không sử dụng dịch vụ SMS (tin nhắn văn bản) vào mỗi dịp cuối tuần. Vấn đề là, giải pháp này chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn sống trên sa mạc và hoang đảo xa xôi (nơi không tồn tại khái niệm smartphone hay sóng di động) như Robinson Crusoe mà thôi!

Trong cuốn sách “Sleeping with Your Smartphone” (Ngủ với chiếc smartphone của bạn), tác giả Leslie Perlow tại trường kinh doanh Harvard cho rằng, đối với hầu hết mọi người thì cách duy nhất để phá vỡ các thói quen 24h/7ngày là phối hợp hoạt động theo nhóm hơn là hành động theo cá nhân.

Lời khuyên của Leslie Perlow không phải không có lý trong bối cảnh ngày càng có nhiều người gắn kết cuộc sống của mình, thậm chí, ở một mức độ nào đó là phó mặc cuộc sống của mình cho những chiếc smartphone nhỏ bé. Điều đó cũng giống như trường hợp “ông chủ” hoàn toàn phụ thuộc vào “người giúp việc” như trong bộ phim “The Servant” kể trên. Công nghệ thì liên tục phát triển và tiến bộ không ngừng, nhưng làm thế nào để quản lý hài hòa cuộc sống vốn càng ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của các thiết bị di động là nhiệm vụ mà con người phải thực hiện, dù khó đến mấy.

Theo VietnamPlus


Link to full article

No comments:

Post a Comment