Friday, October 5, 2012

Điện tử giãy chết: Phải làm lại từ đầu

Việt Nam đã để vuột thời cơ phát triển ngành công nghiệp điện tử cơ bản. Giờ đây, phải làm lại từ đầu và rất cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước

>> Điện tử giãy chết

Thời kỳ đầu mở cửa thị trường (khoảng năm 1995-1998), nhiều liên doanh giữa những tập đoàn điện tử nước ngoài và các doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam lần lượt ra đời, mở ra triển vọng mới cho công nghiệp điện tử Việt Nam…

Nền tảng thiếu, tương lai mờ mịt

Bốn thương hiệu lớn đầu tiên của Nhật Bản vào nước ta là Sony, Panasonic, JVC, Toshiba; trong đó, Sony và JVC liên doanh với Viettronics Tân Bình, Panasonic liên doanh với Viettronics Biên Hòa, Toshiba liên doanh với Viettronics Thủ Đức. Đối với phía Việt Nam, mục đích liên doanh là để ngành công nghiệp điện tử trong nước học hỏi cách quản lý, công nghệ…, về sau có thể lớn mạnh, tự sống được.

Tiếc là do Nhà nước thiếu cơ chế giám sát nên lợi nhuận chủ yếu chảy vào túi đối tác nước ngoài, còn DN điện tử Việt vốn non trẻ thì đuối dần, chuyển sang đầu tư ngoài ngành để tìm đường sống. Kết cục, sau khi chấm dứt liên doanh, đối tác phía Việt Nam dần tàn lụi.

Các thương hiệu điện thoại di động và linh kiện điện tử ngoại lấn át hàng nội ngay tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TẤN THẠNH

Các thương hiệu điện thoại di động và linh kiện điện tử ngoại lấn át hàng nội ngay tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TẤN THẠNH

Những năm gần đây, rất hiếm dự án lớn về lĩnh vực điện tử đầu tư vào Việt Nam. Trước Samsung ,có dự án 1 tỉ USD của Intel (đầu tư vào TPHCM), các dự án lớn khác chỉ dừng lại ở mức thăm dò. Đó là chưa kể đến năm 2015, mọi hàng rào thuế quan giữa các nước tham gia AFTA (Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN) sẽ được gỡ bỏ, Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng DN lắp ráp ngoại “tháo chạy” để chuyển sang các nước khác trong khu vực có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển như Thái Lan, Malaysia hoặc khối DN này nhập toàn bộ linh – phụ kiện từ nước khác vào Việt Nam. Khi đó, Việt Nam chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết quốc tế

Ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật Công ty Sơn Ca Media, cho rằng điện tử là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn được định hướng phát triển từ hơn 20 năm nay nhưng các bộ – ngành cứ mãi bàn trong khi DN thì loay hoay, thiếu định hướng phát triển. Theo ông Chính, nhà máy sản xuất công nghiệp điện tử phải chiếm 10% – 20% tổng tiêu dùng toàn cầu thì mới có lãi. Bây giờ, thời cơ để các DN điện tử Việt Nam được chọn làm mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu qua rồi, chỉ còn chút “dư địa” ở lĩnh vực thiết kế hoặc mảng cung ứng phụ kiện đi kèm sản phẩm điện tử…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina, cũng cho rằng đã quá trễ để theo đuổi ngành công nghiệp điện tử cơ bản. Không còn được Nhà nước trợ giá cộng với những khó khăn khách quan, mức độ rủi ro cho DN đầu tư công nghiệp phụ trợ là rất lớn. Nếu muốn phát triển công nghiệp điện tử thì phải làm lại từ đầu, chắc chắn từng bước.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Lê Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương, cho rằng cần sớm thực hiện các giải pháp cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển mạnh các phương thức liên kết sản xuất – kinh doanh giữa các DN nội địa và những tập đoàn lớn.

Chính phủ cần nhanh chóng thiết lập các cơ quan đầu mối chuyên trách nhằm tìm kiếm, đánh giá và tham vấn cho đối tác nước ngoài và DN trong nước; tạo những ưu đãi cần thiết cho khối DN công nghiệp để hỗ trợ ngành điện tử. Những ưu đãi này được xác lập dựa trên thực tế của các DN và không vi phạm cam kết WTO.

Song song đó, xây dựng thí điểm một số KCN hỗ trợ ngành điện tử với các ưu đãi đặc thù. Quan trọng là công nghiệp điện tử cần hình thành ở quy mô Nhà nước và coi đó là công nghiệp then chốt, phát triển lâu dài chương trình Nhà nước về liên kết sản xuất quốc tế giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN lắp ráp và lựa chọn hình thức liên kết sản xuất quốc tế phù hợp…

Đầu tư vào lĩnh vực phần mềm

Theo các chuyên gia trong ngành, thay vì “sống chết” để phát triển công nghiệp điện tử, Việt Nam có thể chọn con đường ngắn nhất phù hợp với khả năng vốn có, chẳng hạn liên kết phát triển phần mềm tin học. Lĩnh vực này chủ yếu cạnh tranh chất xám, không cần đầu tư lớn, công nghệ tin học lại phát triển rất nhanh, chúng ta có thể bắt kịp mà không cần phải có nền tảng từ quá khứ. Đây là cơ hội, vấn đề là làm sao có chiến lược phát triển liên kết trong lĩnh vực phần mềm tin học. Trong lĩnh vực này, sự hỗ trợ của Nhà nước cũng dễ dàng hơn nhưng tiếc là đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược cụ thể.

Theo Người Lao Động


Link to full article

No comments:

Post a Comment