Sắm máy bay, mua trăm tàu lớn
Đại hội cổ đông Công ty Đức Khải của đại gia chuyên buôn bán ô tô, sản phẩm điện tử và bất động sản Phạm Ngọc Lâm đã thông qua nghị quyết có một không hai: Đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500 - 1.500 mã lực và 2 trực thăng để ra biển cùng ngư dân.
Ông Lâm sẽ đích thân sang các nước hàng đầu về công nghiệp đóng tàu như Hàn Quốc, Nhật, Úc mua cả trăm con tàu cũ có công suất lớn để về kinkhai thác thủy sản và cung cấp dịch vụ trên biển.
Kế hoạch này thu hút sự quan tâm đặc biệt bởi sự chuyển hướng đột ngột của một đại gia BĐS có tiếng tăm tại Sài Gòn và lượng tàu mua lến đến 100 chiếc cùng hai trực thăng để ra biển trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng.
Ông Phạm Ngọc Lâm từng trải qua rất nhiều sóng gió trong cuộc đời |
Thông tin ban đầu cho thấy Đức Khải đã đặt mua 45 chiếc tàu đánh cá của Hàn Quốc, dự kiến cuối tháng 8/2014 sẽ về Việt Nam; 55 chiếc còn lại mua từ Nhật Bản và Úc cũng được nhập về nước đầu năm 2015.
Bên cạnh đó, Đức Khải sẽ mua 2 ụ nổi từ Đài Loan với sức chưa 5.000 tấn/ụ đặt giữa biển để tiếp nhận hải sản các tàu đưa về để phân loại bảo quản. Hai chiếc máy bay dự kiến có giá hàng chục tỷ sẽ được mua từ châu Âu để phục vụ việc cứu nạn, cứu hộ cho ngư dân trên biển đảo.
Cũng theo kế hoạch, 95 con tàu của ông Lâm sẽ nhanh chóng ra khơi đánh bắt hải sản ngay trong năm tới ở 5 ngư trường bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa (thuộc vùng biển Hoàng Sa). Năm chiếc còn lại dùng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu... cung cấp cho các tàu đánh bắt cá và nhận sản phẩm từ tàu khai thác đưa vào đất liền.
Kế hoạch của Phạm Ngọc Lâm đã thu hút sự quan tâm không chỉ vì góp phần khai thác và bảo vệ biển đảo mà còn là hướng mới cho DN. Ngoài ra, quy mô của kế hoạch này quá khủng và đây là điều nhiều người đang đặt câu hỏi về tính khả thi của nó.
Nhiều người đang tự hỏi không biết đại gia BĐS Sài Gòn này sẽ triển khai kế hoạch này như thế nào? Ông Lâm sẽ lấy đâu ra hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn đang trầm lắng và sẽ điều hành kinh doanh thế nào trong lĩnh vực hoàn toàn mới nhiều rủi ro này.
Đại gia Sài Gòn
Quyết định nhanh như chớp và quyết liệt của ông Phạm Ngọc Lâm cho một dự án đầu tư tàu biển, máy bay... để kinh doanh trên biển khiến nhiều người nghĩ tới sự giàu có tột bậc của doanh nhân Sài Gòn này.
Giờ đây, đại gia bất động sản Sài Gòn lại nổi như cồn với dự án có một không hai: sắm trực thăng và cả trăm tàu thủy tiến ra biển. |
Ông Phạm Ngọc Lâm là một người nổi tiếng ở Sài Gòn gắn với DN Đức Khải có hàng loạt dự án BĐS lớn Sài Gìn và là nhà phân phối những thương hiệu điện tử, điện gia dụng, vật liệu nhập khẩu nổi tiếng như Toshiba (Nhật), Kenwood (Anh), Indesit (Ý), Palazzo và Dongfeng (Trung Quốc).
Quy mô của Đức Khải cũng rất lớn. Chỉ trong 6 năm từ 2005 tới 2011, tài sản của DN này đã tăng tới 36 lần lên khoảng 3.150 tỷ đồng. Doanh thu của DN này cũng lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Không ít người cảm phục về cuộc đời cũng như những bước khởi đầu gian nan trong kinh doanh của ông Phạm Ngọc Lâm khi mới 14 tuổi đã vào đời bằng nghề phụ xe, 29 tuổi trở thành ông trùm quyền lực trong giới kinh doanh, 31 tuổi bị kết án chung thân vì buôn lậu xe hơi, 37 tuổi được ân xá.
Sau những bước thăng trầm, giờ đây, ông Lâm đã có trong tay hàng chục DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như BĐS, phân phối, xây dựng, kho vận, cảng cạn, xăng dầu... Chỉ riêng BĐS, ông đã có gần 30 dự án đã và đang triển khai, trong đó có dự án Era Town nổi tiếng.
Động thái bỏ BĐS qua một lĩnh vực khác không phải là mới. Gần đây, nhiều đại gia BĐS đã chuyển hướng sang trồng cao su, trồng mía, trồng rau sạch, nuôi bò... Tuy nhiên, quyết định nhanh như chớp chuyển qua đánh bắt cá, khai thác thủy sản với quy mô đầu tư lớn như vậy thì là người đầu tiên.
Thừa nhận tính quyết đoán và ý nghĩa của dự án này nhưng tuy nhiên, cũng có không ít người gữ thái độ thận trọng về tính khả thi của dự án xét dưới góc độ tài chính và khả năng thực thi.
Trong trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức, để chuyển sang trồng cao su, mía đường, nuôi bò ở Việt Nam và Lào, và triển khai BĐS bên Myanmar, đại gia này đã phải bán gần như toàn bộ các dự án BĐS trong nước, bán hàng loạt các dự án thủy điện...
Việc chuyển sang nông nghiệp, thủy sản... trong thời gian gần đây cũng là điều dễ hiểu bởi đây là những lĩnh vực ưu tiên với nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, dụng ý thực sự và thực lực của các DN cùng với sự quản lý sát sao của các cơ quan quản lý mới là điều quan trọng để quyết định thành công của dự án.
VietNamNet
No comments:
Post a Comment