Sunday, September 30, 2012

Đánh giá game: Demon’s Score – Bản giao hưởng vội vàng của Square Enix

Demon’s Score là một siêu phẩm sử dụng Unreal Engine 3 của Square Enix vừa được ra mắt vào ngày 20/9 vừa qua với những tiền đề vô cùng hứa hẹn. Đứng sau trò chơi chính là bộ óc của tựa game âm nhạc Elite Beat Agents đình đám bởi iNis, Demon’s Score cũng có một phong cách chơi tương tự, đi cùng nó là những nhà soạn nhạc tài ba nhất Nhật Bản. Square Enix đã thành công khi đã thu hút một lượng lớn khách hàng về phía họ khi công bố tựa game này, đáng tiếc họ đã quá vội vàng, Demon’s Score như một bản demo chưa hoàn chỉnh để sẵn sàng ra mắt công chúng.

>> Đánh giá game: Sniper Elite V2 – Chuyên gia bắn tỉa
>> Đánh giá game: Sleeping Dogs – ‘Vô gian đạo’
>> Giới thiệu game: Ultimate Ninja Storm 3 – Game ăn theo Naruto tốt nhất
>> Đánh giá game: Tekken Tag Tournament 2 – Hậu bản xứng tầm
>> Giới thiệu game: Sacred 3 – Ánh sáng và bóng tối


Video giới thiệu game

Square Enix luôn được biết đến với những trò chơi RPG với nhân vật độc quyền, cốt truyện thú vị và gameplay gây nghiện. Demon’s Score là một nỗ lực của họ để tái hiện những yếu tố ở trên vào iOS, tiếc thay ngoại trừ sự an ủi về đồ họa và cốt truyện, chúng ta không thể thấy một chất “Square Enix” nào trong tựa game âm nhạc – hành động này.

Hãy lướt qua một chút về cốt truyện, cha của Serenity, một cô gái bình thường có người cha bị mất tích một cách bí ẩn. Tất cả những manh mối có được của cô là một ứng dụng có tên Demon’s Score trong chiếc Smartphone luôn bên mình mà người cha đã bí mật cài vào. Trên con đường tìm lại người cha yêu dấu, cô tình cờ cứu thoát một con gấu bông tên David-vốn là một đồng nghiệp trong phòng thì nghiệm bị ám-sau đó dưới sự trợ giúp của nó và ứng dụng Demon’s Score, Serenity bắt đầu dấn thân vào cuộc phiêu lưu và các bí mật đằng sau ứng dụng đó sẽ hé mở dần.

Gameplay

Người chơi, bất kì trình độ nào, đều bắt buộc bị ép phải chọn chế độ Easy Mode ngay từ những giây đầu tiên của game. Ngay khi hoàn thành xong phẩn Easy, người chơi mới có thể unlock Normal và Hard Mode. Tức là để trải nghiệm Demon’s Score một cách hoàn hảo nhất, người chơi phải lặp lại hàng chục level và bản nhạc giống nhau. Vẫn là những hành lang dài ngoằn với âm nhạc không hề thay đổi, điều này vô hình chung sẽ làm giảm rất nhiều giá trị chơi lại.

Mỗi level được chia làm hai phần. Đầu tiên, Serenity cùng chú gấu David sẽ bay dọc hành lang chiến đấu với lũ quái vật. Có vẻ như ở đoạn này, luôn có một bản nhạc và cách thực hiện giống nhau, do đó bạn sẽ cảm thấy bị lặp lại một cách nhanh chóng. Sau đó chính là Boss, Boss là điểm nổi bật duy nhất của Demon’s Score. Mỗi con Boss sẽ có một đặc trưng và dòng nhạc riêng, Disco, Punk chẳng hạn, trang phục chúng mặc cực kì hợp với bản nhạc đi kèm. Sau khi đánh bại chúng, người chơi sẽ được lựa chọn trang phục-trong trường hợp này Demon’s Score gọi một cái tên rất kêu: Hiệp ước với Quỷ. Tuy nhiên ngoài trang phục từ con Boss đầu tiên, những bản hiệp ước sau này đều được tính với giá 2.99$.

Square Enix đã quá sức tham lam mặc dù đã cung cấp trò chơi với giá đến 6.99$. Và ngay cả khi người chơi nhấn vào nút kí hiệp ước, họ cũng không được thông báo trước về việc sẽ mất tiền vào IAP. Nhiều game thủ đã phàn nàn khi Square Enix đã đánh lận con đen như vậy.

Bù lại, với mỗi trang phục khác nhau (Chúng khá là Sexy so với nàng Serenity đơn giản ban đầu) sẽ có những bản nhạc nền khác nhau khi chúng ta bay dọc hành lang. Đi cùng đó chính là giọng nói và tính cách của Serenity cũng được thay đổi. Người Review không khỏi ngạc nhiên khi nàng Serenity cực Sexy lại có giọng nói ồm ồm của một người đàn ông đứng tuổi (Một cô gái với giọng nói đàn ông? Tôi không nghĩ về việc đó!!!)

Điều khiển

Mở đầu game, người chơi sẽ trải qua ít nhất 5p để tập làm quen với nhịp điệu và phương thúc điều khiển. Cho dù có lỡ bấm Skip, ngay bên ngoài Menu luôn có một nút Tutorial để lặp lại hướng dẫn này. Vì mang trong mình là một game âm nhạc nên những cử chỉ điều khiển của Demon’s Score khá trực quan và dễ làm quen.

Sẽ có một vòng tròn và một mũi tên chạy theo chiều kim đồng hồ, nhiệm vụ của người chơi đó là canh nhịp điệu và thực hiện một cú chạm chính xác để bắn một nhát Critical(thay vì Perfect như Audition). Tương tự như với thanh kiếm, tuy nhiên cách sử dụng hơi khác một chút, thay vì chỉ chạm đơn thuần, người chơi phải thực hiện động tác di chuyển ngón tay theo hướng của thanh kiếm. Bên cạnh đó có những vòng tròn cho phép bạn chạm liên tục để ghi điểm combo, ở mức độ Hard nó xuất hiện và biến mất khá nhanh.

Đồ họa

Được xây dựng bởi Unreal Engine 3 nên đồ họa của Demon’s Score chi tiết và lộng lẫy. Những chi tiết nhỏ nhất như đường ren trên vạt áo của Serenity được làm sắc sảo. Các con Boss cũng được dựng lên với hình ảnh và tính cách rất tương xứng.

Ngoài ra là các hành động đẹp mắt của nhân vật, các cú bắn, chém mượt mà không chê vào đâu được. Tuy nhiên một điểm trừ nhỏ ở đây là thể hiện ánh mắt và cử chỉ nhân vật chưa được tốt. Phải nói ánh mắt và bờ môi của Serenity rất sắc và đẹp, tuy nhiên ta cảm giác đó là một con búp bê biết nói hơn là một con người. Cử chỉ của Serenity không nhiều nếu không muốn nói là không có, ánh mắt vẫn luôn như vậy không thay đổi, khi nói chuyện bờ môi cũng chỉ nhấp nhẹ nhàng chứ hoàn toàn không ăn khớp với lời nói.

Những con quái vật và phông nền xung quanh không được đầu tư nhiều lắm. Hầu như là một tông màu xám không nhiều chi tiết. Cho dù đi qua rất nhiều màn chơi nhưng hầu như chúng ta chỉ thấy những con quái vật và dãy hành làng vô tận lặp đi lặp lại đến phát ngán. Bù lại là skill cuối mỗi khi kết liễu những con Boss, một ấn chú hiện ra đẹp mắt và các đòn chém, ném, bắn cực kì điệu nghệ là những gì game thủ sẽ mong chờ nhất để thấy trước khi bắt đầu một màn chơi khác.

Âm nhạc

Một loạt các nhà soạn nhạc lẫy lừng của Nhật Bản đã tham gia vào trò chơi này như Naoshi Mizuta (Final Fantasy XI), Keiichi Okabe (Nier), Yoko Shimomura (Kingdom Hearts series)… Thế nên âm nhạc của Demon’s Score rất phong phú, chủ đề chung thường là tiếng guitar và violon réo rắt, tuy nhiên các bản nhạc Punk Rock hay Disco đều được mang vào tạo nên một không gian đầy ắp sự mới lạ.

Như đã nói ở trên, những con Boss hay bộ trang phục của Serenity đều gắn liền với một thể loại âm nhạc nhạc nhau. Tuy nhiên, âm nhạc đôi lúc không liên quan đến không khí trận đấu lắm, bạn hãy nghĩ một trận đấu dồn dập như trong Devil May Cry luôn là những bản Rock mạnh mẽ và đầy cảm hứng, ở đây chúng ta có súng, đạn, gươm và…tiếng violon dịu dàng. Đôi lúc điều này lại tạo nên chất riêng của game, những hầu như chúng khá phản tác dụng.

Một Boss mang đậm tính cách lịch thiệp với lời cửa miệng là thưa quý bà(signora)

Ngoài ra, giọng lồng tiếng được làm tốt, thể hiện được suy nghĩ và tính cách của Serenity cũng như những con Boss bị nhập vào người nàng. Chúng ta có thể thấy được những câu nói mang các cung bậc cảm xúc khác nhau nếu lựa chọn trang phục khác nhau. Nhưng chắc hẳn bạn sẽ không mong muốn nhìn một cô nàng có giọng nói như một người chuyển giới.

Kết luận

Demon’s Score rất khó để đánh giá tính chất hay dở của nó. Một mặt về đồ họa và cốt truyện được dựng lên lạ và độc. Mặt khác là những lời chê bạn đã đọc ở trên về gameplay và những yếu tố nhỏ nhưng gây khá nhiều phiền nhiễu.

Nếu bạn thích một tựa game âm nhạc xen một chút hành động, Demon’s Score rất đáng để thử qua. Tuy nhiên sự vô lý về IAP là không thế chấp nhận được. Hãy chờ các động thái tiếp theo của Square Enix nếu họ có những bản fix lỗi không đáng có thì trò chơi hẳn sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều.

Cùng ngắm nhìn những hình ảnh trong game ở dưới:

Theo GenK


Link to full article

No comments:

Post a Comment