Tỉ phú giàu thứ 3 Thái Lan vừa hoàn thiện mảnh ghép cuối ở Việt Nam trong chuỗi sản xuất - phân phối - bán buôn - bán lẻ.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd
Mới đây, tập đoàn Metro (Đức) cho biết vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan về việc chuyển nhượng mảng kinh doanh bán buôn tại Việt Nam.
Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).
Với 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu hoạt động của Metro Việt Nam đạt 516 triệu euro (khoảng 692 triệu USD) trong năm tài chính 2012 - 2013. Mặc dù là một trong những tên tuổi bán buôn lớn nhất tại Việt Nam, nhưng thực tế doanh số của Metro Việt Nam không ấn tượng, thấp hơn 1,25 lần so với mức bình quân của Metro. Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường kém phát triển nhất của Metro.
Giám đốc điều hành Metro Olaf Koch cho biết thỏa thuận sẽ "củng cố lại bảng cân đối kế toán" của Metro và giúp công ty có tiền đầu tư phát triển. Giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 0,7% sau thỏa thuận trên.
Về phía BJC, thâu tóm Metro là thương vụ lớn thứ 2 của tập đoàn trong vòng 1 năm trở lại đây. Năm ngoái, công ty này đã đánh bật Family Mart Nhật Bản ra khỏi liên doanh Family Mart tại Việt Nam và nhảy vào thế chân. Chuỗi cửa hàng tiện lợi này được đổi tên thành B'mart sau đó.
Sau khi thâu tóm thành công Metro Việt Nam, BJC đã hoàn thiện hệ thống của mình với "mảnh ghép" bán buôn có tổng diện tích lên tới 110.000 mét vuông. Với thương vụ này, BJC có mặt tại Việt Nam với đủ 4 mảng chính, bao gồm sản xuất, phân phối, bán buôn và bán lẻ.
"Mảnh ghép" bán buôn giúp hệ thống của BJC tại Việt Nam hoàn thiện
Berli Jucker là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa khoảng 90 tỉ Baht, (2,8 tỷ USD). Với 5 mảng kinh doanh chính, trong đó chủ yếu là kinh doanh đóng chai, năm 2013, doanh thu của BJC khoảng 1,3 tỷ USD.
BJC đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Quý I/2014, doanh thu của BJC tại Việt Nam khoảng 45 triệu USD, chiếm 66% doanh thu nước ngoài của BJC.
Hiện tại, BJC cung cấp nhiều sản phẩm tại Việt Nam. Công ty này có một nhà máy sản xuất giấy vệ sinh Cellox, dây chuyền sản xuất đậu phụ ICHIBAN, nhà máy sản xuất chai thủy tinh và đặc biệt là nhà máy sản xuất lon nước giải khát với công suất 750 triệu lon/năm.
Sau thương vụ hất Family Mart Nhật Bản ra khỏi liên doanh và thành lập nên B'mart, BJC đã xây dựng chuỗi cửa hàng tiện lợi với 94 cửa hàng trên khắp cả nước. Trong lĩnh vực phân phối, BJC cũng đánh dấu sự hiện diện của mình tại 2 công ty con Thai Corp ở phía Nam và Thái An ở miền Bắc.
Sau khi mua lại Metro, BJC dự tính phát triển Metro Việt Nam qua 6 điểm chính:
- Mở rộng mạng lưới cửa hàng Metro Việt Nam
- Phát triển các cửa hàng sẵn có
- Mở rộng hệ thống cung cấp
- Tối ưu hóa doanh thu các sản phẩm của Metro Việt Nam
- Tập trung hơn vào những phân khúc chính, những nhóm khách hàng chính
- Cải thiện doanh số các mặt hàng chính so với các đối thủ Thái Lan
Dấu ấn của tỉ phú giàu thứ 3 Thái Lan
Thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam tiếp tục để lại dấu ấn mang tên Charoen Sirivadhanabhakd. Tỉ phú giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản 11,3 tỉ USD tiếp tục mở rộng khối tài sản của ông trên mảnh đất chữ S.
Trong số các tập đoàn dưới trướng tỉ phú Thái Lan, có thể kể tới 3 cái tên lớn nhất đó là ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker hoạt động đa ngành, và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh BJC đã nêu ở trên, tại Việt Nam, TTC Land cũng có nhiều hoạt động. Thông qua công ty con SAS Trading Ltd, TTC Land hiện nắm giữ 65% cổ phần của Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Ba năm gần đây, khách sạn này đều đạt trên 20 triệu USD doanh thu và 10 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%.
TTC hiện quản lý nhiều khách sạn, văn phòng cũng như các bất động sản khác ở khắp châu Á, Australia, 1 khách sạn ở châu Âu và 1 khách sạn tại Mỹ
Năm 2008, tỉ phú người Thái còn thành công trong việc mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi, chuỗi nhà hàng này cũng đã xuất hiện tại Hà Nội.
Với Thaibev, có lẽ tập đoàn này không trực tiếp lộ diện tại Việt Nam. Thay vào đó, Thaibev sẽ sử dụng F&N, tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore như một cánh tay nối dài tấn công vào thị trường đồ uống không cồn và đặc biệt là thị trường sữa.
F&N đang sở hữu nhiều bất động sản có giá trị ở Việt Nam và đặc biệt là khoản đầu tư nắm giữ 9,54% cổ phần của Vinamilk. Số cổ phần này hiện đáng giá ít nhất là 500 triệu USD.
Có thể thấy, sau thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam, các tập đoàn của tỉ phú Thái tiếp tục củng cố vị thế của mình tại thị trường tiêu dùng Đông Nam Á, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhanh, nước giải khát. Đây cũng là mảng kinh doanh sở trường của vị doanh nhân này.
Tri Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment