Phớt lờ mọi cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước, một công ty ở Việt Nam vừa công bố bắt tay hợp tác với đối tác Israel để cho ra đời sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4/2014 sắp tới.
Cảnh báo từ ngân hàng Nhà nước
Trước đó, ngày 25/3, công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Việt Nam đã gửi thông cáo báo chí đến các phương tiện thông tin đại chúng chính thức công bố về việc công ty này đã hợp tác cùng công ty TNHH Bit2C mở sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam.
Sàn này có tên VBTC, dự kiến bắt đầu vận hành vào cuối tháng 4 tới. Thông tin về sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam chính thức được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn mạng. Theo các chuyên gia tài chính, tiền ảo du nhập vào Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây, được giao dịch trong một thế giới ngầm.
Đồng Bitcoin được xem là một đế chế tài chính riêng, với hệ thống thanh toán, giao dịch nhanh gọn, tinh vi tương tự như các ngân hàng lớn trên thế giới. Đồng tiền ảo này không chỉ giúp nhà đầu tư đầu cơ, ăn chênh lệch giá mà còn thanh toán trực tiếp những sản phẩm, phi vụ làm ăn mà ngân hàng chính thống không thể thực hiện như cá độ bóng đá, đánh bạc trực tuyến.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, hàng loạt các trang giao dịch tiền ảo Bitcoin được lập ra trong thời gian ngắn. Hiện nay, một số trang diễn đàn, thương mại điện tử đã đồng ý thanh toán dịch vụ bằng đồng Bitcoin.
Trong bối cảnh tròn một tháng sau khi ngân hàng Nhà nước vừa khẳng định Bitcoin không phải là tiền tệ và cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp, công ty TNHH Bitcoin Việt Nam cho rằng: “Việc sử dụng Bitcoin chưa bao giờ bị cấm ở Việt Nam”.
Trước đó, ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro, thiệt hại của người sử dụng khi tham gia giao dịch bằng đồng Bitcoin. Về phía mình, công ty Bitcoin Vietnam nhận định, nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam chính là mảnh đất màu mỡ để Bitcoin phát triển. Đồng thời, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội để tiếp cận với giải pháp an toàn và đáng tin cậy liên quan đến công nghệ mới này.
Trên website của công ty TNHH Bitcoin Việt Nam giới thiệu 4 điểm thế mạnh của mình đó là hợp pháp, an toàn, công nghệ và thanh khoản. Liên quan đến yếu tố hợp pháp, công ty trên khẳng định mình là sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam có đăng ký giấy phép kinh doanh đầy đủ.
Tuy nhiên, đại diện cục Thương mại Điện tử - Bộ Công Thương khẳng định “sàn giao dịch này chưa đăng ký hợp pháp”. Lãnh đạo bộ phận quản lý thương mại điện tử của cục cho hay, công ty công ty TNHH Bitcoin Việt Nam mới thông báo mở website bán hàng hóa chứ không đăng ký mở sàn giao dịch. Ngay cả hồ sơ đăng ký website của công ty này cũng đã bị cơ quan quản lý từ chối.
Theo tìm hiểu của PV, công ty TNHH Bitcoin Việt Nam có trụ sở tại Bến Vân Đồn, phường 8, quận 4, TP.HCM. Công ty này được thành lập cuối năm 2013 và đi vào hoạt động tháng 3/2014, dịch vụ của công ty chuyên môi giới Bitcoin, cho phép người dùng Việt Nam mua bán không giới hạn số lượng đồng tiền ảo này qua mạng. Công ty cam kết nghiêm túc tuân thủ tất cả quy tắc và quy định liên quan đến Bitcoin tại Việt Nam.
Đồng Bitcoin không được công nhận là tiền tệ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. |
Không đủ cơ sở pháp lý mở sàn giao dịch?
Sàn giao dịch đồng Bitcoin tại Việt Nam đứng trước nguy cơ không thể hoạt động, bởi không xin được giấy phép từ phía cơ quan chức năng.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: “Ngân hàng Nhà nước trước đó đã cảnh báo về những rủi ro và cấm các tổ chức dùng đồng Bitcoin để thực hiện các giao dịch với khách hàng. Tuy nhiên, công ty Bitcoin đã phớt lờ lệnh cấm này, tức là đi ngược lại với những cảnh báo của ngân hàng Nhà nước về đồng tiền ảo Bitcoin.
Qua đó chứng tỏ, công ty TNHH Bitcoin Việt Nam cố tình vi phạm, mà đã vi phạm thì công ty này không thể có đủ điều kiện để thành lập sàn giao dịch. Phớt lờ lệnh cấm là một vi phạm nghiêm trọng nên cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính an toàn và minh bạch trong việc lưu thông tiền tệ ở Việt Nam”.
Theo lãnh đạo cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), công ty Bitcoin Vietnam không đủ cơ sở pháp lý để được mở sàn giao dịch. “Công ty Bitcoin Vietnam chưa xin cấp phép của Cục về giao dịch hàng hoá qua trang điện tử. Đồng Bitcoin hiện vẫn chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong bất cứ văn bản quy phạm pháp lý nào của Việt Nam hiện hành. Do vậy, nó không thuộc đối tượng được chấp nhận theo nội dung điều chỉnh của Nghị định về Thương mại điện tử.
Theo quy định hiện nay, các thương nhân, tổ chức phải cung cấp đủ thông tin cho khách hàng để xác định đặc tính hàng hóa, dịch vụ mình. Việc này nhằm tránh hiểu lầm cho người mua hàng. Công ty Bitcoin Vietnam chưa chứng minh được điều này và chưa đủ cơ sở pháp lý để được mở sàn giao dịch. Cục cũng chưa cấp phép giao dịch thương mại điện tử cho sàn VBTC”, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (bộ Công Thương) cho biết.
Trước đó, ngày 28/2, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới một thời là Mt.Gox đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi thông báo mất trộm số tiền ảo trị giá gần nửa tỷ USD. Sự phá sản của một sàn giao dịch đồng Bitcoin này đã khiến đồng Bitcoin mất giá và làm mất lòng tin từ phía khách hàng.
Việt Nam không công nhận Bitcoin là tiền tệ
Theo ngân hàng Nhà nước, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính nào mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.
Trong thông cáo phát đi cuối ngày 27/2, ngân hàng Nhà nước khẳng định, đây không phải là tiền tệ theo pháp luật hiện hành và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Đại diện cơ quan này cho biết, không riêng gì Bitcoin, các loại tiền ảo tương tự khác nếu dùng như phương tiện thanh toán cũng sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng cũng không được phép sử dụng như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
CÔNG THƯ-HOÀI THƯƠNG
No comments:
Post a Comment